Đoạn video đẩy Hoàng tử Harry vào khủng hoảng

Trải qua hàng loạt thị phi kể từ khi rời Hoàng gia Anh, Hoàng tử Harry tiếp tục đối mặt với khủng hoảng mới khi bị chủ tịch tổ chức từ thiện do anh sáng lập cáo buộc bắt nạt, kỳ thị phụ nữ da đen.

Thị phi nối tiếp thị phi

Sau khi rời bỏ Hoàng gia Anh vào năm 2020, thị phi dường như không chịu buông tha cho Hoàng tử Harry và vợ anh, Meghan Markle. Chỉ trong 3 tháng đầu tiên của năm 2025, vợ chồng xứ Sussex liên tiếp gây tranh cãi.

Cặp đôi bắt đầu một năm đầy sóng gió với cáo buộc làm màu khi đi cứu trợ thảm họa cháy rừng ở Los Angeles (California, Mỹ). Tiếp đến, họ bị tạp chí Vanity Fair giáng đòn mạnh với bài báo vạch trần “bộ mặt thật”.

Sang tháng 2, Meghan gây tranh cãi khi đổi tên thương hiệu phong cách sống từ American Riviera Orchard (ARO) thành As Ever. Cựu diễn viên sinh năm 1981 không chỉ bị chê cười vì thiếu nhất quán, còn vướng cáo buộc đạo ý tưởng.

Harry và Meghan liên tiếp vướng thị phi trong 3 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Reuters.

Harry và Meghan liên tiếp vướng thị phi trong 3 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Reuters.

Vào đầu tháng 3, chương trình truyền hình thực tế With Love, Meghan ra mắt công chúng nhưng phản hồi không mấy tích cực. Chương trình bị cả khán giả lẫn truyền thông chê nhàm chán, giả tạo và không dành cho số đông.

Ngay khi ồn ào về Meghan vừa lắng xuống, Hoàng tử Harry trở thành tâm điểm khi tuyên bố rời khỏi tổ chức từ thiện Sentebale, do anh đồng sáng lập năm 2006 để vinh danh người mẹ quá cố, Công nương Diana. Tổ chức hướng đến mục tiêu giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên ở miền Nam châu Phi, đặc biệt là những người nhiễm HIV và AIDS.

Trong tuyên bố ngày 25/3, Harry giải thích lý do liên quan đến mẫu thuẫn không thể hóa giải với chủ tịch hội đồng quản trị Sentebale, tiến sĩ Sophie Chandauka. Không chỉ anh, người đồng sáng lập còn lại là Hoàng tử Seeiso của Vương quốc Lesotho cùng các thành viên trong hội đồng quản trị cũng lần lượt từ chức.

Ban đầu, họ yêu cầu bà Chandauka từ chức. Tuy nhiên, nữ luật sư gốc Zimbabwe từ chối và đâm đơn kiện lên Tòa án tối cao Anh. Không thể đạt được thống nhất chung, Harry cùng những người khác lựa chọn rời đi để phản đối bà Chandauka.

Đáp lại, bà Chandauka cáo buộc Harry, Seeiso và những người ủy thác lạm dụng quyền lực, bắt nạt, quấy rối, kỳ thị phụ nữ da đen… Theo bà, họ ép bà từ chức để che đậy vấn đề quản lý yếu kém và các hành vi khuất tất khác bên trong tổ chức từ thiện.

“Có những người trên thế giới này hành động như thể họ đứng trên luật pháp và ngược đãi mọi người, sau đó lại đóng vai nạn nhân, sử dụng báo chí mà họ khinh thường để làm hại những người dám thách thức hành vi của họ”, bà nhấn mạnh với tờ London Times.

Đòn tấn công từ nữ chủ tịch

Trong khi phía Hoàng tử Harry giữ im lặng sau tuyên bố chung, bà Sophie Chandauka liên tiếp xuất hiện trên truyền hình và mặt báo để lên án sự “độc hại” của Harry.

Sophie Chandauka cáo buộc Harry quấy rối và bắt nạt bằng thương hiệu Sussex "độc hại". Ảnh: Sky News.

Sophie Chandauka cáo buộc Harry quấy rối và bắt nạt bằng thương hiệu Sussex "độc hại". Ảnh: Sky News.

Trong chương trình Sunday Morning của Sky News vào ngày 30/3, bà Chandauka cáo buộc Hoàng tử Harry khởi xướng chiến dịch “quấy rối và bắt nạt quy mô lớn” đối với bà và những người làm việc trong Sentebale bằng cách “giải phóng cỗ máy quan hệ công chúng của Sussex”.

“Lý do duy nhất khiến tôi có mặt ở đây là vì vào một thời điểm nào đó trong ngày thứ Ba (25/3), Hoàng tử Harry cho phép công bố một tin tức gây tổn hại đến thế giới bên ngoài mà không thông báo cho tôi, giám đốc quốc gia hoặc giám đốc điều hành của tôi. Các bạn có thể tưởng tượng được cuộc tấn công đó gây ra hậu quả gì cho tôi và 540 cá nhân trong tổ chức Sentebale cùng gia đình họ không?”, nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

Bà Chandauka mô tả Hoàng tử Harry là rủi ro số một đối với tổ chức, đồng thời tố thương hiệu cá nhân mà anh cùng Meghan đang xây dựng mang tính “độc hại”.

Để dẫn chứng cho cáo buộc này, nữ chủ tịch kể về trải nghiệm khó chịu tại trận đấu polo gây quỹ cho Sentebale ở Florida, Mỹ, vào tháng 4/2024. Theo bà Chandauka, hoạt động ý nghĩa này bị Harry lợi dụng để làm phim tài liệu cho Netflix.

Ban đầu, một gia đình giàu có đồng ý tài trợ địa điểm tổ chức trận đấu. Khủng hoảng xảy đến khi khoảng một tháng trước sự kiện, Harry gọi điện cho ban tổ chức thông báo về việc mang theo đoàn quay phim để thực hiện các cảnh quay cho dự án phim tài liệu. Biết được thông tin này, chủ sân polo không cho miễn phí nữa vì tính chất trận đấu thay đổi thành “dự án thương mại”. Do không đủ khả năng chi trả, Sentebale mất địa điểm tổ chức sự kiện.

Sau khi tìm được địa điểm mới, ban tổ chức nhận được thông báo Nữ công tước xứ Sussex, vốn nói không có mặt lại quyết định tham dự sự kiện. Hơn nữa, cô dẫn theo ngôi sao quần vợt Serena Williams. Theo nữ chủ tịch, điều này sẽ tuyệt vời nếu ban tổ chức được thông báo sớm, thay vì bị đưa vào thế bị động.

Thay đổi này kéo theo sự việc hỗn loạn trên sân khấu trao giải. Ban đầu, Chandauka đứng cạnh Harry trong lúc trao cúp cho đội chiến thắng. Tuy nhiên, Meghan đề nghị nữ chủ tịch đổi vị trí sang đứng cạnh cô. Bà Chandauka sau đó buộc phải cúi người xuống dưới chiếc cúp mà vợ chồng Sussex đang cầm để chuyển chỗ đứng.

Khoảnh khắc gây tranh cãi của Meghan tại trận polo tháng 4/2024. Nguồn: Times Entertainment.

Không may cho Meghan, báo chí quốc tế quay được khoảnh khắc này và lan truyền rộng khắp. Người đẹp 44 tuổi bị chỉ trích vì đối xử không văn minh với bà Chandauka.

“Hoàng tử Harry yêu cầu tôi đưa ra tuyên bố ủng hộ nữ công tước. Tôi từ chối làm điều đó. Không phải vì tôi không quan tâm đến nữ công tước, mà vì tôi biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm như vậy. Nó chỉ khiến Meghan bị công kích nghiêm trọng hơn. Và thứ hai, chúng tôi không thể bị xem là sự mở rộng của thương hiệu Sussex”, bà Chandauka nhấn mạnh.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sky News, bà Chandauka cho biết kể từ khi nhậm chức vào tháng 7/2023, bà tiến hành đánh giá tình hình tài chính của tổ chức trong 7 năm trước đó. Bà đưa ra kết luận có mối tương quan đáng kể giữa thời điểm tổ chức bắt đầu suy giảm đáng kể về hỗ trợ thương mại và sự kiện Hoàng tử Harry rời khỏi Vương quốc Anh. Cụ thể, nhiều nhà tài trợ lâu năm của tổ chức đã dừng hỗ trợ cùng thời điểm vợ chồng Sussex từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia.

Bà Chandauka khẳng định đã tìm cách giải quyết vấn đề nhưng vô ích. Mỗi khi đặt câu hỏi, bà đều nhận được câu trả lời rằng chủ đề này nhạy cảm đối với Harry.

Harry được cho là muốn đuổi việc bà Chandauka kể từ thời điểm đó. Nữ chủ tịch tuyên bố quá trình này không phải ngày một, ngày hai mà diễn ra trong nhiều tháng thông qua việc bắt nạt, quấy rối. Bà có tài liệu để chứng minh.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, bà Chandauka tố Harry cùng Seeiso muốn đẩy tổ chức từ thiện vào đường cùng rồi ra tay giải cứu.

Harry gặp khủng hoảng

Công tước và Nữ công tước xứ Sussex từ chối phản hồi về cuộc phỏng vấn của bà Chandauka trên Sky News. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận tuyên bố cáo buộc của nữ chủ tịch là vô căn cứ.

Nguồn tin nhấn mạnh chiêu trò truyền thông này hoàn toàn nằm trong dự tính của phía Hoàng tử Harry. Theo họ, bà Chandauka muốn chuyển hướng sự chú ý vào thực tế rằng Harry cùng những người ủy thác từ chức là hậu quả trực tiếp từ sự quản lý yếu kém của chủ tịch Sentebale.

Ai cũng có lý lẽ riêng, người ngoài cuộc khó có thể đánh giá đúng - sai. Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi là Sentebale đang ở trong giai đoạn khủng hoảng nhất kể từ khi thành lập đến nay, còn trở thành trọng tâm của cuộc điều tra do Ủy ban Từ thiện Anh khởi xướng.

Harry đang ở trong giai đoạn khủng hoảng khi phải rời bỏ tổ chức từ thiện tâm huyết suốt gần 20 năm qua. Ảnh: Getty Images.

Harry đang ở trong giai đoạn khủng hoảng khi phải rời bỏ tổ chức từ thiện tâm huyết suốt gần 20 năm qua. Ảnh: Getty Images.

Chuyên gia hoàng gia Richard Kay của Daily Mail nhận định dù thế nào đi nữa, người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong chuyện này là Hoàng tử Harry. Hình ảnh của anh trong mắt công chúng lại bị hoen ố thêm.

Người đàn ông 41 tuổi còn phải đối mặt với câu hỏi khó, nhưng không thể né tránh: liệu có tương lai nào cho thương hiệu hoàng gia của anh không?

Một sự thật khó chịu mà Harry bắt buộc phải thừa nhận là hoạt động từ thiện kiểu “cứu tinh da trắng” đã lỗi thời. Mô hình tổ chức từ thiện dành cho trẻ em da đen nghèo khó lại được những người da trắng giàu có, quyền lực hỗ trợ ngày càng bộc lộ sự không ổn.

“Nhìn những người giàu có, quyến rũ cưỡi ngựa tận hưởng rồi nghiêm túc gắn mác từ thiện thực sự không còn là hình ảnh đẹp nữa. Polo là môn thể thao dành cho giới thượng lưu, những người chơi nó cũng thuộc giới nhà giàu. Dù vì lý do gì, nó cũng có vẻ lỗi thời”, một người trong cuộc đánh giá.

Sự nhạy cảm gia tăng về chủng tộc đóng vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của các tổ chức từ thiện. Tổ chức Comic Relief (Anh), gây quỹ giải quyết nạn đói, đã ngừng chiếu những bộ phim về các cứu tinh da trắng trong bối cảnh gia tăng sự phẫn nộ về những khuôn mẫu như vậy.

Đối với Harry, tình hình hiện tại đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Sentebale và Invictus Games là những “đứa con tinh thần” thành công nhất của anh. Nếu tổ chức từ thiện sụp đổ, anh chỉ còn lại sự kiện thể thao tổ chức 2 năm một lần. Anh sẽ lấp đầy những ngày tháng trống rỗng của mình như thế nào?

Các báo cáo vào cuối tuần cho thấy Harry hiếm khi rời khỏi dinh thự ở Montecito, California. Người ta đồn anh nhớ gia đình và bạn bè. Anh thậm chí không được thông báo về việc Vua Charles nhập viện khẩn cấp vào cuối tháng 3.

Kể từ Megxit, cuộc sống hoàng gia cũ của Harry biến mất. Anh từ bỏ địa vị và danh hiệu quân sự của mình. Bây giờ, thế giới từ thiện của anh dường như cũng đang thoái lui.

Với các chương trình về phong cách sống và podcast, Meghan bận rộn hơn bao giờ hết. Trong khi thế giới của Harry thu hẹp lại, thế giới của Meghan mở rộng. Trước tình hình đó, hoàng tử tóc đỏ phải làm gì để giải quyết khủng hoảng?

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doan-video-day-hoang-tu-harry-vao-khung-hoang-post1730172.tpo