Đoàn xã Kế An với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, chất lượng, Đoàn xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) địa phương, phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện; thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, góp sức trẻ xây dựng quê hương sáng - xanh - sạch - đẹp…

Em Tô Văn Nghĩa, ấp Xóm Chòi, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên vườn dừa cho thu hoạch trái nhiều năm qua. Ảnh: THÚY LIỄU

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của ĐVTN, Đoàn xã Kế An đã tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hưởng ứng cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” do Hội đồng Đội huyện phát động, đặt biệt là hoạt động “Chiến sĩ tình nguyện vì đàn em thân yêu” năm 2023. Theo đó, Đoàn xã phối hợp doanh nghiệp thăm, tặng 20 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Để chung tay tạo cảnh quan xã nhà ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, Đoàn xã Kế An đã tổ chức trồng 2.000 cây quỳnh anh trên các tuyến đường nông thôn, phát quang, sửa chữa các tuyến lộ đal hư hỏng, làm hàng rào bảo vệ cây xanh.

Với thanh niên muốn lập nghiệp, Đoàn xã Kế An đã luôn “sát cánh” cùng các bạn trẻ, nhằm định hướng, hỗ trợ về các mô hình sản xuất. Điển hình như em Tô Văn Nghĩa, ấp Xóm Chòi, xã Kế An, qua tham gia hoạt động đoàn, Nghĩa đã học hỏi được cách làm kinh tế hiệu quả. Nghĩa bộc bạch: "Tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, tôi đã chuyển đổi khu vườn trồng nhiều loại cây ăn trái sang trồng chuyên canh cây cam sành. Vườn cam có diện tích 3ha, sản lượng khoảng 70 - 80 tấn trái/năm. Tôi còn trồng 6ha dừa xiêm, đã thu hoạch trái 4 năm nay, mỗi tháng thu được 12.000 trái dừa tươi, giá bán bình quân 5.000 đồng/trái, trừ chi phí lợi nhuận 30 triệu đồng/tháng". Ngoài ra, với sự năng động của tuổi trẻ, Nghĩa làm thêm dịch vụ thu mua nông sản của bà con nông dân tại địa phương, giao bán lại cho các vựa. Từ công việc này, mỗi tháng Nghĩa có thu nhập 15 triệu đồng.

Để giúp các bạn ĐVTN có vốn sản xuất, kinh doanh, Đoàn xã Kế An phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho thanh niên có nhu cầu. Tổ chức cho các chi đoàn góp vốn xoay vòng, để tạo nguồn vốn cho ĐVTN mượn mua cây, con giống, phân bón... Tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế, nhằm giúp các bạn thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...

"Để lan tỏa sức trẻ của ĐVTN, trong năm 2024 đơn vị sẽ tiếp tục vận động ĐVTN tại địa phương tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn”; lồng ghép nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sinh hoạt lệ chi đoàn, họp ban chấp hành để các chi đoàn mới học hỏi, rút kinh nghiệm. Ra quân trồng hoa ven các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Vận động ĐVTN tham gia chuyển đổi số. Tìm hiểu, lựa chọn mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp để tuyên truyền, vận động thanh niên học hỏi làm theo; hỗ trợ nguồn vốn để thanh niên khởi nghiệp”, đồng chí Phạm Ngọc Liên - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Kế An thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/doan-xa-ke-an-voi-nhieu-hoat-dong-sang-tao-hieu-qua-69420.html