Doanh nghiệp bán lẻ có bị 'bỏ quên' trong chiến dịch tiêm vaccine?

Cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch trong dây chuyền sản xuất đến vận chuyển và bày bán trong siêu thị tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ cũng mong muốn có thêm 'lá chắn bảo vệ' là vaccine.

Trước diễn biến dịch COVID-19 căng thẳng, toàn TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động của 3 chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống.

Sau 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội hệ thống bán lẻ tại TP.HCM đang hoạt động hết công suất, cung cấp hàng hóa cả phần của các chợ truyền thống đang đóng cửa. Theo đó, đảm bảo “không để bất cứ người dân nào thiếu đói”, đặc biệt người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để cung ứng đầy đủ và thường xuyên hàng hóa nhu yếu phẩm, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, không ít các nhà quản lý và chính người lao động lo ngại trước nguy cơ lây nhiễm bệnh khi dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch an toàn trong cơ sở sản xuất, trong dây chuyền sản xuất đến vận chuyển và bày bán trong siêu thị tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng mong muốn có thêm “lá chắn bảo vệ” là vaccine. Ví dụ thực tế, Tập đoàn Masan có 30 nhà máy, trong đó có các tổ hợp chế biến thực phẩm, đặt tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart, VinMart+ của Masan có gần 2.500 điểm bán lẻ phủ rộng trên cả nước với hơn 22.000 nhân viên bán lẻ. Tổng cộng, Masan có gần 40.000 nhân viên, tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6.500 nhân viên được tiêm vaccine.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều nhân viên bán lẻ và trong dây chuyền sản xuất của Masan do chưa nằm trong diện ưu tiên được tiêm chủng nên đã tạm thời xin nghỉ việc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu chung là đảm bảo nhu yêu phẩm được cung cấp thông suốt ở các địa phương, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

“Tập đoàn Masan kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này” - đại diện Masan nói.

Đây là một nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp. Bởi “Vaccine + 5K” vẫn được khẳng định giải pháp căn cơ, quyết liệt để sớm kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Trước những băn khoăn chính đáng này của các doanh nghiệp, trao đổi với PV VOV, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021- 4/2022, Bộ Y tế đã bổ sung và nâng nhóm đối tượng được tiêm chủng lên 16 nhóm.

Ông Tuyên cho biết cụ thể, theo Quyết định số 3355 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng BCĐ Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ký thông qua, các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine có bao gồm: “Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế… cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;”.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây chính là nhóm ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong Quyết định của Bộ Y tế hướng tới các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng được ưu tiên cũng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định dựa trên diễn biến dịch thực tế của địa phương.

Trước đây, trong Nghị quyết 21 của Chính phủ có 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Song dựa trên diễn biến thực tế dịch bệnh và số lượng vaccine được cung ứng về Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu thực hiện linh hoạt việc phân bổ vaccine và mở rộng đối tượng ưu tiên.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine. Khi vaccine về tới Việt Nam đều được phân bổ ngay một cách công khai, minh bạch và phân bổ linh hoạt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.

Không chỉ ở TP.HCM, với Bình Dương, để phòng chống dịch bệnh lây lan trong khu, cụm công nghiệp, Bộ Y tế chủ trương sẽ phân bổ từ 500.000-1 triệu liều vaccine để tiêm cho công nhân. Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 7/2021, Bình Dương sẽ triển khai tiêm phòng đợt 4 tại doanh nghiệp với 20.000 liều. Đối tượng ưu tiên là những người tiếp xúc nhiều và có nguy cơ cao, như: ban giám đốc, quản đốc, tổ trưởng các phân xưởng, bộ phận cấp dưỡng, lái xe, bảo vệ…

Song song, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp lập danh sách toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động gửi về Trung tâm y tế nơi đặt trụ sở để chuẩn bị cho công tác tiêm phòng những đợt tiếp theo. Dự kiến đến tháng 8/2021 sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng diện rộng trên toàn bộ công nhân tại tỉnh này.

Trong trường hợp doanh nghiệp chủ động liên hệ được nguồn Vaccine riêng, doanh nghiệp phải liên hệ với Sở Y tế, CDC tại địa phương để làm các thủ tục liên quan đến tiêm chủng./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-ban-le-co-bi-bo-quen-trong-chien-dich-tiem-vaccine-873411.vov