Doanh nghiệp bán lẻ đồng hành, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản

Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Thưa ông, những năm qua, MM Mega Market Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bán lẻ đã có rất nhiều hoạt động để hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Vậy những hoạt động đó đã mang lại tác dụng gì trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản ra sao? Năm nay, doanh nghiệp đã có kế hoạch gì để tiêu thụ nông sản ở hệ thống phân phối tại thị trường nội địa?

Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam

Hiện tại 90% hàng hóa của MM Mega Market đang là hàng sản xuất trong nước. Chúng tôi đang vận hành 5 trạm trung chuyển để đảm bảo giữ được chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm từ các vùng trồng, vùng nuôi đến các địa phương trên cả nước. Đó là trạm trung chuyển rau quả ở Đà Lạt; hải sản ở Hậu Giang; 2 trạm thịt heo Đồng Nai và Hà Nội; điểm trung chuyển rau quả ở Tiền Giang. Thông qua các trạm trung chuyển, sản phẩm từ vùng trồng đến được các trung tâm theo chuỗi khép kín, đúng quy chuẩn, đưa đến các điểm bán phục vụ cho khách hàng.

Trong những năm qua, MM Mega Market đã tham gia các hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức bởi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa chất lượng đưa vào các kênh tiêu thụ của chúng tôi.

Riêng trong năm 2022, chúng tôi tổ chức thành công Tuần lễ hàng OCOP tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, trưng bày hơn 1500 sản phẩm OCOP, ký được 28 biên bản ghi nhớ với các HTX, hộ nông dân để đưa nông sản vào các trung tâm của MM Mega Market trên toàn quốc.

Chúng tôi cũng tổ chức các Hội chợ nông sản để bán các sản phẩm ở các thành phố lớn không lợi nhuận bằng hình thức bán ngay trên xe tải của các địa phương mang đến trung tâm, hoặc bán ở các khu vực phía ngoài trung tâm như MM Mega Hà Đông hoặc MM Mega Hoàng Mai, được bà con ủng hộ rất nhiều. Thông qua đó, hàng hóa dễ dàng đến với người dân, để các hộ dân, HTX đạt được mục tiêu tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023, chúng tôi tiếp tục tổ chức các tuần hàng OCOP ở các thành phố lớn. Đồng thời thực hiện chương trình giá sỉ với hơn 40 sản phẩn, từ rau củ quả, thịt heo, thịt bò… Cứ 2 tuần 1 lần, các khách hàng được mua hàng hóa với giá sỉ theo danh mục.

Với thực phẩm khô, chúng tôi thực hiện chương trình Khóa giá, đảm bảo 3 tháng sẽ không tăng giá các mặt hàng trong trung tâm và chỉ có giảm giá theo thị trường. Chương trình này chúng tôi đã làm việc sớm với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung và giá cả

Với các giải pháp, những năm qua, sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản mùa vụ tăng cao theo từng năm. Riêng năm 2022, chúng tôi tiêu thụ được hơn 100 tấn trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, Tuyên Quang, Đăk Lắk; hơn 40 tấn rau củ từ Hải Dương, Đắk Nông, Bắc Giang. Năm 2023, chúng tôi hy vọng sản lượng này sẽ tiếp tục tăng.

Được biết, tại các gian hàng của siêu thị, nông sản Việt, đặc biệt là đặc sản chính vụ đều được ưu tiên bày bán ở những vị trí đẹp nhất, dễ tiếp cận với người tiêu dùng nhất. Vậy ông nhận thấy người tiêu dùng nội địa dành tình cảm và sự ưu ái ra sao đối với nông sản Việt?

Rất rõ là tình cảm của người tiêu dùng với nông sản Việt Nam được thể hiện qua 2 chỉ số, một là sự tăng trưởng hàng Việt Nam đều đặn đạt từ 17-20%; riêng nông sản mùa vụ từ 50-100%. Điều đó cho thấy ngày càng nhiều người tiêu dùng nội địa tiêu thụ nông sản Việt Nam.

Nông sản mùa vụ được bày bán tại các vị trí bắt mắt tại MM Mega Market để người tiêu dùng dễ dàng chọn mua

Nông sản mùa vụ được bày bán tại các vị trí bắt mắt tại MM Mega Market để người tiêu dùng dễ dàng chọn mua

Việc trưng bày ở các vị trí dễ thấy cũng là chủ định của chúng tôi vì hàng nông sản mùa vụ thời gian tiêu thụ rất ngắn, cho nên việc trưng bày ở vị trí bắt mắt sẽ làm tăng nhận diện của sản phẩm đó và người tiêu dùng sẽ biết rõ hơn là đây là sản phẩm có nguồn gốc.

Tôi nhận thấy tình cảm người tiêu dùng với hàng Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng nhờ tác động của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tăng từ lâu. Song những năm gần đây càng ngày càng được thể hiện rõ hơn. Chính các HTX, người nông dân cũng chú trọng tăng chất lượng bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Những tiêu chuẩn đó sẽ ngày càng giúp người tiêu dùng an tâm với sản phẩm và việc dành tình cảm cho hàng Việt Nam là đúng.

Bên cạnh lợi thế, sau rất nhiều năm đồng hành với nông sản Việt, ông/bà nhận thấy điểm yếu của nông sản Việt là gì? Ông có lời khuyên gì đối với các hợp tác xã, các địa phương để làm sao chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam tốt hơn nữa?

Chúng ta thấy rằng áp lực của trái cây mùa vụ là thời gian thu hoạch ngắn, có những loại chỉ trong 1-2 tháng phải tiêu thụ hết nên tạo ra áp lực lớn lên các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng, từ người dùng đến đơn vị cung ứng, bảo quản và doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, chúng tôi luôn có kế hoạch làm việc với HTX, hộ nông dân trong ngắn hạn và trung hạn để đảm bảo hàng hóa của các hộ nông dân và HTX sản xuất ra được tiêu thụ trong hệ thống. Các đối tác sẽ yên tâm trong trồng và nuôi sản phẩm theo mùa vụ khi đảm bảo sản phẩm chắc chắn được bao tiêu.

Bên cạnh đó, các hộ nông dân và nuôi trồng cũng phải nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển để hàng hóa tới được các điểm tiêu thụ là các trung tâm lớn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Vì đây là các khâu yếu của người nông dân. Họ hay có thói quen bán luôn cho thương lái, dẫn đến dễ bị ép giá.

Làm việc trực tiếp với hộ nông dân là thách thức với đơn vị tiêu thụ như chúng tôi vì các hộ nông dân rất nhiều, sản xuất nhỏ lẻ, trong khi sản phẩm đưa vào siêu thị thì phải đảm bảo về số lượng. Cho nên các nông hộ nên tham gia vào HTX để đảm bảo số lượng cung ứng cho nhà bán lẻ. Đồng thời đảm bảo rằng hết mùa sản phẩm này thì sẽ cung ứng đặc sản khác, sẽ đảm bảo không bị đứt hợp đồng.

Ngoài ra, nếu người tiêu dùng có thói quen tiêu dùng nông sản Việt và coi đó như đồ ăn uống hàng ngày thì nông sản Việt sẽ không phải lo đến đầu ra. Điều này đòi hỏi vai trò của các cơ quan truyền thông.

Xin cảm ơn ông!

Lan Phương thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-ban-le-dong-hanh-ho-tro-dia-phuong-tieu-thu-nong-san-254207.html