Doanh nghiệp bán lẻ lo nhất sức mua yếu trong mùa mua sắm cuối năm

Sức mua yếu chính là nỗi lo mà 100% doanh nghiệp bán lẻ lo ngại trong 6 tháng cuối năm 2023.

Báo cáo mới nhất về các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày 22-9 của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra sáu yếu tố thách thức hàng đầu của DN bán lẻ trong năm 2023.

Theo đó, sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể giải quyết một sớm một chiều, tiếp tục là hai mối lo chính của DN bán lẻ với sự nhất trí lần lượt là 100% và 92,9%.

Trong khi đó, sức nóng từ môi trường cạnh tranh gay gắt trong ngành thể hiện qua cuộc chiến giá nửa đầu năm, dù có dịu bớt trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn thuộc top 3 thách thức lớn nhất được DN điểm tên.

Các mối lo còn lại thuộc về biến động tỉ giá, rủi ro lạm phát và lượng hàng tồn kho.

Những áp lực của DN bán lẻ trong nửa cuối năm 2023 đang khá tương đồng đối với 6 tháng đầu năm.

 6 yếu tố thách thức hàng đầu của doanh nghiệp bán lẻ trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Vietnam Report (Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8-2023)

6 yếu tố thách thức hàng đầu của doanh nghiệp bán lẻ trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Vietnam Report (Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8-2023)

Để giải quyết mối lo ngại lớn nhất trong thời gian tới, trên 63% số DN trong ngành cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua.

Dẫu vậy, Vietnam Report nhìn nhận, không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều mang lại hiệu quả.

Chính vì thế, khi thực hiện kích cầu tiêu dùng, DN cần phải có nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để phân tích xu hướng tiêu dùng. Trong đó chú ý sự dịch chuyển mua sắm đa kênh, để từ đó xây dựng kế hoạch khả thi hơn.

Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận là một giải pháp quan trọng được DN bán lẻ chỉ ra trong năm nay.

Ngoài ra, theo các DN việc tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa, chi phí logistics.....và sẵn sàng cắt giảm chi phí của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả, cũng được cho là chiến lược mang tính thiết thực.

Trong đó việc đẩy mạnh hình ảnh DN thông qua marketing cũng được 83,3% số DN bán lẻ tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng ngân sách đầu tư. Điều này được kỳ vọng là sẽ tạo độ nhận diện thương hiệu cao hơn nữa, tăng niềm tin từ phía khách hàng để thúc đẩy doanh số trong thời gian tới.

Theo Vietnam Report, xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỉ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD trong vài năm tới.

Du lịch ngày càng phục hồi sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam có dân số trẻ, với 60% nằm trong độ tuổi lao động và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây.

Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn. Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-ban-le-lo-nhat-suc-mua-yeu-trong-mua-mua-sam-cuoi-nam-post753053.html