Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thiệt đủ đường
Để tránh xung đột lợi ích, doanh nghiệp đầu mối không được bán hàng trực tiếp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng hệ thống mà phải thông qua thương nhân phân phối
Góp ý cho dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu đã nêu ra hàng loạt bất cập trong quy định hiện hành và việc bị DN đầu mối chèn ép chiết khấu, cạnh tranh không công bằng khiến họ thua lỗ triền miên.
Đầu mối hưởng lợi quá nhiều
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho biết trong năm 2023, có đến 6 tháng DN của ông và nhiều thương nhân khác bị các DN đầu mối áp mức chiết khấu dưới 500 đồng/lít, thậm chí có cả chiết khấu 0 đồng, dẫn đến càng bán càng lỗ do thu không đủ bù chi, trong khi DN vẫn phải duy trì hoạt động. "Chi phí cố định của DN bán lẻ hiện lên tới 700-800 đồng/lít nên dù được chiết khấu 1.100 đồng/lít cũng không giúp lợi nhuận tốt hơn. Vì một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, mới lãi được 400.000 đồng còn thua thu nhập của một người lao động phổ thông trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỉ" - ông Thắng nêu vấn đề.
Theo ông Thắng, khoảng 2 năm trở lại đây, công ty ông và nhiều DN bán lẻ khác thường xuyên thua lỗ, ngân hàng cũng không dám cho vay vì quá rủi ro. Hàng ngàn cửa hàng đã phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ. Trước đây, các DN bán lẻ trên cả nước có khoảng 12.000 cửa hàng xăng dầu, đến nay chỉ còn chưa tới 8.000. Trong khi các DN đầu mối lại liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ, như Petrolimex chưa tới 2 năm đã có thêm hơn 2.500 cửa hàng (nâng lên tổng số 5.500 cửa hàng), PVOIL cũng mở gần 1.000 cửa hàng, nâng mạng lưới lên gần 2.500 cửa hàng.
Ông Đào Bá Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuyên Tuyến (Gia Lai), cho rằng vì DN đầu mối được hưởng quá nhiều quyền lợi nên họ đua nhau mở rộng mạng lưới, lấn át hoàn toàn các cây xăng nhỏ. Cụ thể, DN đầu mối được nhập khẩu hàng từ nhiều nguồn với mức giá tốt, mua xăng dầu tại nhà máy lọc dầu trong nước nhưng khi phân phối lại tính theo giá nhập khẩu tại thị trường Singapore. Chưa hết, DN nhập khẩu xăng dầu theo tấn (1 tấn tương đương 1.170 lít) nhưng lại bán ra theo lít với giá cao hơn, lại còn được hưởng lợi từ chênh lệch về nhiệt độ (mỗi tấn xăng dầu, DN đầu mối hưởng lợi thêm khoảng 200 lít). Ngoài ra, DN đầu mối không bị giới hạn về quyền mua bán, việc mua bán này không được công khai minh bạch nên nhà máy và thương nhân dễ bắt tay để thu lợi. "DN đầu mối được quyền phân phối cho hệ thống đại lý, nhượng quyền và bán lẻ; được mua tất cả các nguồn và bán trên toàn hệ thống. Các DN lớn nắm hết nguồn cung ứng xăng dầu và thường xuyên đưa ra những quyết định có lợi cho họ như bán hàng giá cao để ép chiết khấu, ngưng hoặc cung cấp nhỏ giọt gây đứt gãy hệ thống phân phối bên ngoài. Trong khi, mạng lưới của họ vẫn đủ hàng bán, chiết khấu thương mại cao hơn bên ngoài. Việc này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích một chiều" - ông Thọ nêu thực trạng.
Để giải quyết tình trạng này, các DN bán lẻ khác kiến nghị cần có sàn mua bán xăng dầu nội địa để minh bạch hóa và bảo đám đúng cơ chế thị trường trong kinh doanh xăng dầu.
Bán lẻ thiệt đủ đường
Liên quan đến dự thảo Nghị định mới về quản lý xăng dầu đang được lấy ý kiến, các DN bán lẻ cho rằng dự thảo chỉ thay đổi về phương pháp tính giá, tính tỉ lệ chi phí lợi nhuận, tăng quyền thêm cho DN đầu mối, giảm quyền của DN phân phối và khóa chặt DN bán lẻ nên nếu được ban hành cũng không ảnh hưởng nhiều đến thực trạng thị trường xăng dầu hiện nay. Cụ thể, theo dự thảo, nhà nước không điều hành giá xăng dầu mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỉ giá, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN. Dựa trên các dữ liệu đó, các DN đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.
Bộ Công Thương lý giải việc để cho DN đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng kiểu xa cảng, xa kho, xa nhà máy như hiện nay. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng (Yên Bái), nói việc để DN đầu mối tự tính toán đưa ra mức giá tối đa, rồi giá bán lẻ cũng do đầu mối và phân phối quyết, còn với DN bán lẻ lại không có quy định nào cụ thể. Như vậy, DN bán lẻ vẫn không có quyền tự quyết giá bán ra cho người tiêu dùng mà phải dựa vào tính toán của DN đầu mối và phân phối. Chưa kể, DN đầu mối được tự quyết định giá, họ sẽ dễ dàng chuyển chi phí ra các công ty con ở nước ngoài để làm tăng chi phí nhập khẩu, tiếp làm tăng giá bán buôn mức 1 (giá bán cho DN phân phối), từ đó kéo giá bán buôn mức 2 (giá bán cho DN bán lẻ). Hệ lụy là thị trường biến động có chủ đích và dễ đứt gãy cục bộ. DN bán lẻ thua lỗ, kiệt sức, còn DN phân phối có nguy cơ bị triệt tiêu.
Do đó, các DN bán lẻ kiến nghị nên tách bạch DN đầu mối, DN phân phối, đại lý - cửa hàng độc lập với nhau trong việc kê khai, hạch toán thuế nhằm bảo đảm thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu trong hệ thống của thương nhân đầu mối nhằm chống chuyển giá, trốn thuế. Quy hoạch, tổ chức và quản lý chi tiết kho cảng, bến bãi phù hợp với thực tế kinh doanh và năng lực của thương nhân kinh doanh xăng dầu. Nhà nước thực hiện hoặc giao cho các doanh nghiệp có chức năng dịch vụ, logistics về xăng dầu đảm nhiệm.
Trong khi đó, ông Đào Bá Thọ kiến nghị để tránh xung đột lợi ích, DN đầu mối không được bán hàng trực tiếp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng hệ thống mà phải thông qua DN phân phối mức dưới trực thuộc. Hủy bỏ cận giá bán lẻ tối đa, DN nên định giá bán buôn mức 1, DN phân phối định giá bán buôn mức 2 còn DN bán lẻ quyết định giá bán cuối cùng. "Trường hợp nhà nước quy định giá bán lẻ thì chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít và nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch để tránh tình trạng DN đầu mối "ôm hết" rồi tự phân phối cho hệ thống của họ. Từ đó cơ quan quản lý nhà nước không đánh giá thực được thị trường, không thấy được những khó khăn, thua lỗ của DN bán lẻ" - ông Thọ nêu ý kiến.
Phải tổ chức lại thị trường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng để quản lý thị trường xăng dầu hiệu quả không có cách nào khác là phải tổ chức lại thị trường. "Bởi, lâu nay nhà nước chỉ quản ở giá bán lẻ cuối cùng, trong khi các chi phí khác nằm trong chuỗi cung ứng xăng dầu (từ nhập khẩu cho đến khi bán ra thị trường - qua các hệ thống đại lý trung gian) lại chưa có quy định nên mới dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra, trong đó có cả chiết khấu 0 đồng, dẫn đến DN bán lẻ kêu lỗ" - ông Ánh nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-ban-le-xang-dau-thiet-du-duong-196240502215907121.htm