Doanh nghiệp bất động sản 'bạc mặt' vì sổ hồng
Tình trạng chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM gây nhiều thiệt hại cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư.
Ảnh minh họa.
Hàng ngàn căn hộ bị “treo” sổ hồng
Tại hội nghị về đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có hơn 63.000 căn chưa được cấp sổ hồng.
Trong đó, có 37.421 căn hộ, nhà đất thuộc những dự án đã có văn bản thẩm định cấp sổ hồng (29.423 căn chưa nộp hồ sơ; 7.998 căn đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai, nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát). Còn khoảng 25.579 căn nhà ở tại những dự án mà người mua nhà đã nhận nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, nhưng chưa có văn bản thẩm định cấp sổ hồng theo quy định.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do vướng mắc nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra, vi phạm trong xây dựng…
Chủ đầu tư mang tiếng oan
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tranh chấp tại các dự án chung cư trong thời gian vừa qua. Điều này cũng gây tâm lý hoang mang cho cư dân, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư bất động sản.
Phát biểu tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” mới đây, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, Tập đoàn có 13 dự án chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ hồng vì hầu hết bị vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất.
Đơn cử, Dự án Chung cư Lavita Garden (quận Thủ Đức) của đơn vị này dù đã được triển khai thủ tục thẩm định giá đất từ cuối năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
Trước thực trạng trên, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, việc kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không có lỗi trong việc này, nhưng vẫn phải gánh chịu trách nhiệm. Đó là sự bội tín bất đắc dĩ với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Từ thực tế đó, ông Dũng kiến nghị cần có sự cải tổ về thủ tục hành chính, ban hành chi tiết khung cơ chế thẩm định, xác định tiền sử dụng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nộp tiền sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, hàng ngàn hộ dân tại Dự án New City (quận 2) của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt (Công ty Thuận Việt) vẫn bị “treo” sổ hồng. Nguyên nhân là tại thời điểm tính toán giá đất để chủ đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý thì giá đất được xác định là 19 triệu đồng/m2, nhưng khi trình duyệt, Hội đồng Thẩm định giá lại không dám quyết, vì cho rằng, mức giá đất ở đó phải tầm 26 triệu đồng/m2.
Sau một hồi trao đổi qua lại, mức giá đất mà doanh nghiệp tạm đóng là 26 triệu đồng/m2. Dự án đã xây dựng xong và cư dân đã vào ở được 2 - 3 năm, nhưng mức giá đất cụ thể ở khu vực này vẫn chưa được xác định, nên quyền lợi của khách hàng cũng bị “treo” luôn.
“Công ty tạm đóng tiền sử dụng đất với mức giá 26 triệu đồng/m2. Dẫu vậy, quyền lợi liên quan như việc ra sổ hồng cho khách hàng ở đây vẫn chưa được giải quyết. Bản thân Công ty Thuận Việt cũng đang chịu nhiều tai tiếng”, bà Võ Thị Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Thuận Việt chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM, khâu tính tiền sử dụng đất đã trở thành “nỗi ám ảnh” của chủ đầu tư mỗi khi dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Lý do là, dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung điều chỉnh, nhưng lại không có cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất hay không.
Thông tin về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ nay đến tháng 12/2023, Sở sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án để giải quyết cấp sổ hồng cho 37.421 căn.
Đồng thời, Sở tập trung tháo gỡ những dự án còn vướng mắc như có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch... và vướng mắc cấp sổ hồng cho loại hình bất động sản mới (shophouse, officetel).
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chủ động cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở.