Doanh nghiệp bất động sản gặp 'rừng' thủ tục hành chính, qua 177 bước để đối thoại với người dân

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp: Thủ tục như 'mê hồn trận' và các nhà đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận thủ tục đầu tư ở Việt Nam như 'mê hồn trận', họ không dám làm, mà phải hợp tác với doanh nghiệp Việt'.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng thủ tục đầu tư dự án bất động sản Việt Nam quá nặng nề.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng thủ tục đầu tư dự án bất động sản Việt Nam quá nặng nề.

Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức vào ngày 9/10, trước lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nêu những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản.

Qua 177 bước, 360 ngày mới đủ điều kiện tổ chức đối thoại, rồi mới đến khâu cưỡng chế

Từ thực tiễn doanh nghiệp làm các dự án, Chủ tịch VACC cho rằng các thủ tục để phát triển dự án địa ốc hiện nay quá chậm. Lấy ví dụ dự án mà ông đang chịu trách nhiệm điều hành, riêng khâu giải phóng mặt bằng đến nay đã 14 năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, các doanh nghiệp bất động sản đều vấp phải rào cản về thủ tục hành chính.

Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng gặp rào cản đầu tiên vì chủ đầu tư muốn đối thoại với người dân phải đủ 60 ngày, có những lúc phải thông báo, vận động cả chính quyền địa phương đến gặp đủ 3 lần, đầy đủ biên bản xử lý mới được đối thoại.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ: "Riêng dự án của chúng tôi, nếu tính ra phải đi qua 177 bước, phải qua 360 ngày mới đủ việc đối thoại, mới đến khâu cưỡng chế. Do đó, thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu đựng".

Đề nghị Nhà nước kiểm tra việc thực thi thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bất động sản

Rào cản thứ hai được Chủ tịch VACC đề cập, đó là số lượng con dấu phải đóng đối với mỗi dự án trong thủ tục hành chính, khi có dự án phải xong 38 con dấu, có dự án phải 40 con dấu.

Lý giải việc phải trải qua nhiều khâu đóng dấu, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, khi gửi hồ sơ lên Ủy ban nhân dân thành phố, thành phố sẽ gửi cho 5 sở, địa phương, nên cần phải có 5 con dấu để hoàn thành một thủ tục. Sau đó đến thủ tục về quy hoạch cũng cần 5 con dấu hay thủ tục định giá cũng cần nhiều con dấu.

Vì vậy ông Hiệp đề nghị Nhà nước đã có quy trình mẫu, nhưng cần phải có sự kiểm tra việc thực thi, bởi quy định yêu cầu 15 ngày phải trả lời, nhưng cơ quan Nhà nước có thể để 30 ngày không hồi đáp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh: "Thủ tướng kêu gọi tiết giảm thủ tục hành chính nhưng chế tài chưa cụ thể, cần có chế tài để những thủ tục nào không cần văn bản, chỉ cần một cuộc họp là quyết xong thì cần một quy trình mẫu kèm chế tài".

"Rừng" thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư như mê hồn trận, nhà đầu tư nước ngoài không dám làm

Rào cản cuối cùng được ông Hiệp chỉ ra là khâu điều chỉnh quy hoạch, khi 100% dự án đều phải điều chỉnh quy hoạch, có những quy hoạch không quan trọng nhưng vẫn phải trình đủ các cấp có ý kiến. Sau khi điều chỉnh xong quy hoạch lại tiếp tục làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tiên, trong khi "rừng" thủ tục này vô cùng nặng nề và nan giải.

Chủ tịch VACC lấy ví dụ: "Dự án chúng tôi chỉ cần nhích chiều ngang ra một chút, đường chệch cống ra một chút để phù hợp cũng lại điều chỉnh quy hoạch, trong khi thủ tục này rất mất thời gian, 6 tháng chứ không phải 1-2 tháng. Thủ tục như "mê hồn trận" và các nhà đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận thủ tục đầu tư ở Việt Nam như "mê hồn trận", họ không dám làm, mà phải hợp tác với doanh nghiệp Việt".

Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản chịu chi phối của khoảng 15 luật liên quan, từ quy hoạch, xây dựng, đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư… nhưng các luật lại không đồng bộ. Vừa qua, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã giúp hạn chế bớt tính không đồng bộ của các luật.

Tuy nhiên,Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng thực tế việc đơn vị soạn thảo lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp chịu chi phối bởi luật còn hạn chế, do đó doanh nghiệp mong muốn các cơ quan soạn thảo sát với doanh nghiệp, đi sâu vào thực tế.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-gap-rung-thu-tuc-hanh-chinh-qua-177-buoc-de-doi-thoai-voi-nguoi-dan-1792410091657021.htm