Doanh nghiệp bất động sản kẹt vốn, trái phiếu sắp dồn dập đáo hạn, chuyên gia hiến kế

Room tín dụng được nới không đáng kể và cũng không dành cho bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán tiếp tục khó khăn khiến các doanh nghiệp bất động sản chưa tìm được lối ra.

Trái phiếu sắp đáo hạn dồn dập, nguồn cung sụt giảm mạnh

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài số tiền huy động của khách hàng, chủ đầu tư còn ứng tiền của các nhà cung cấp và còn lại vẫn phải có vốn mồi tín dụng, vốn trái phiếu. Nếu dự án đang triển khai mà dòng vốn bị chặn đứng, doanh nghiệp sẽ phải dừng dự án, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

“Tôi đang mường tượng khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu thì lấy tiền đâu để trả. Khó khăn này làm giảm nguồn cung ra thị trường…. Theo thống kê của chúng tôi, nguồn cung các dự án lần đầu vào thị trường, năm 2018 khoảng 200.000 sản phẩm mới, năm 2019 hơn 100.000, năm 2020 và 2021 xuống còn 60.000 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hơn 20.000 sản phẩm”, ông Đính cho biết.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị, trái phiếu doanh nghiệp là công cụ quan trọng có tác dụng với doanh nghiệp, hiện nay, các hoạt động phát hành trái phiếu đang bị trục trặc, hoạt động này đang bị cầm chừng và nhỏ giọt. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

“Hiện ngân hàng đã nới “room” nhưng chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, số đó không thấm tháp gì với thị trường bất động sản. Chúng ta cần phải cân nhắc, đối với các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phải phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh thì nên để doanh nghiệp tiếp cận, tạo lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế”, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup kiến nghị.

Chuyên gia khuyến nghị cách giải bài toán vốn cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất là chính sách không có sự quay xe đột ngột, có thể dự báo được, nhất là lúc này tình thế bất thường, doanh nghiệp sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 đang còn yếu.

“Tính mệnh lệnh hành chính đe dọa doanh nghiệp cá nhân nặng lắm. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà hoạt định chính sách biết cách ứng xử với nền kinh tế và với các doanh nghiệp”, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến cáo.

Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam tương đương 34% tổng GDP, trong đó 47% là vốn từ tín dụng ngân hàng; 21,5% là từ trái phiếu doanh nghiệp; 3,2% từ thị trường cổ phiếu; vốn đầu tư công khoảng 15%, vốn FDI 14%.

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn trông chờ khá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Trước mắt, để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, càn phải thúc đẩy Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nếu làm được sẽ tạo cơ hội tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm các cách khác như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, các quỹ đầu tư. Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn song theo chuyên gia này, sau khi Nghị định 153 sửa đổi ban hành, đây sẽ là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để phát triển thị trường bất động sản, Việt Nam cần nghiên cứu để có một số định chế tài chính chuyên biệt cho bất động sản. Đồng thời, thành lập Quỹ đầu tư phát triển nhà ở với cơ chế, chính sách cực kỳ rõ ràng .

“Về lâu dài, cần phát triển chứng khoán hóa bất động sản, nôm na là có bất động sản và lấy đó làm tài sản thế chấp và phát hành trái phiếu. Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi, trong bối cảnh vừa qua phải cơ cấu lại hoạt động, và công khai minh bạch hơn để cả định chế tài chính và cả doanh nghiệp cần phải làm việc với nhau”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-ket-von-trai-phieu-sap-don-dap-dao-han-chuyen-gia-hien-ke-d173393.html