Doanh nghiệp bất động sản làm gì để vượt khó?

Tại hội nghị 'Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững' ngày 17-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

Nhìn sâu hơn vào thị trường bất động sản (BĐS) từ năm 2022 đến nay, có thể thấy khó khăn nảy sinh từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có nút thắt dòng vốn và pháp lý.

Để gỡ vướng pháp lý không phải là vấn đề ngày một ngày hai, trong khi năm 2023 được xác định là “năm sống còn” của thị trường BĐS. Ngân hàng chỉ là một trong các nhà cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Để gỡ nút thắt dòng vốn, các chuyên gia chỉ ra trước hết nằm ở chính việc doanh nghiệp phải cơ cấu lại cấu trúc vốn của mình, trong đó có cơ cấu danh mục tài sản, ưu tiên triển khai dự án khả thi để thu hồi vốn, song song đó đàm phán với các chủ nợ về thời gian trả nợ, lãi suất vay vốn…

Đây cũng là giai đoạn thanh lọc thị trường để sau chu kỳ đi xuống sẽ sang thời kỳ phát triển tích cực hơn. Một số doanh nghiệp bước đầu đã tự quẫy cựa, tìm đối sách, tính toán lại kế hoạch phát triển dự án, ưu tiên dự án nào để bán hàng, thu tiền về để vượt khó.

Đơn cử như Tập đoàn Novaland chia sẻ về giải pháp của mình. Họ đã nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác tư vấn hàng đầu như EY- Parthenon, KPMG để quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp. Đồng thời nỗ lực cùng các đối tác, nhà thầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án đang triển khai để bàn giao sản phẩm cho khách hàng, duy trì việc làm cho nhân viên.

Nhiều công ty BĐS khác cũng đã chi hàng ngàn tỉ đồng thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn cũng như tất toán các khoản vay trước hạn. Trong đó có Công ty BĐS Phát Đạt đã thực hiện tái cơ cấu lại danh mục, chuyển nhượng các dự án để có nguồn tiền đảm bảo thanh toán.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh thủ tục pháp lý của các dự án để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, bán hàng và từ đó có nguồn tiền, nguồn tài chính trả cho các trái chủ, thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động.

Như vậy, trước hết các doanh nghiệp BĐS phải tự tái cấu trúc chính mình để khi được tiếp sức mới có thể sẵn sàng hồi phục, phát triển.

Bên cạnh đó, thị trường cũng cần phải được tái cấu trúc từ phía cơ quan quản lý. Thời gian qua, Nhà nước và các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quy mô lớn với một mục đích duy nhất: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.

Mong rằng sau hội nghị này, với chỉ đạo rất rõ ràng của Thủ tướng Chính phủ, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở pháp lý, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công và đem lại hiệu quả ngay trong thời gian tới.

Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng cần nhanh chóng thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc triển khai áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm sẽ giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững, tiếp tục là kênh cung ứng vốn đáng tin cậy cho thị trường BĐS.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-lam-gi-de-vuot-kho-post720388.html