Doanh nghiệp bất động sản nào đang 'ôm' lượng hàng tồn kho nhiều nhất?

Kết thúc quý 3 năm 2024, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng. Thậm chí, giá trị hàng tồn kho bất động sản của một số doanh nghiệp đã chiếm hơn nửa tổng giá trị tài sản.

Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản nổi bật niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng giá trị tồn kho tính tới ngày 30/9/2024 khoảng gần 300.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 3 đã được công bố, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - HoSE: NVL) là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho đứng đầu bảng với 145.428 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho của Novaland cũng bỏ xa những doanh nghiệp sau đó, chiếm phân nữa tổng lượng hàng tồn kho của 10 doanh nghiệp nổi bật hàng đầu.

Tỷ lệ hàng tồn kho của NVL chiếm phần lớn, lên đến 62,68% trong khối lượng tài sản của doanh nghiệp này. Trong đó, tồn kho bất động sản để bán đang xây dựng chiếm 94% với khoảng 136.800 tỷ đồng; tồn kho bất động sản để bán đã hoàn thành xây dựng đạt 8.500 tỷ đồng. Theo Novaland, một phần trong số hàng tồn kho này đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho gần 58.000 tỷ đồng vay nợ.

Đứng thứ hai về hàng tồn kho sau Novaland là CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) với 57.981 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối quý 3/2023. Tương tự Novaland, phần lớn hàng tồn kho của Vinhomes là bất động sản đang xây dựng, chiếm 50.009 tỷ đồng, chủ yếu từ các chi phí liên quan đến đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng và phát triển các dự án lớn như Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Ocean Park 3, Vinhomes Smart City và các dự án khác.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HOSE: KDH) ghi nhận theo báo cáo tài chính quý 3/2024, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Khang Điền đạt 31.605 tỷ đồng, tăng 19,3% so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của Khang Điền tăng 19,5% lên 22.450 tỷ đồng, tương đương 900 triệu USD theo tỷ giá hiện tại, với hầu hết đến từ bất động sản xây dựng dở dang. Phần lớn cơ cấu hàng tồn kho của KDH tập trung tại các dự án Khu dân cư Tân Tạo (6.651 tỷ đồng), Bình Trưng Đông (7.873 tỷ đồng), Khu định cư Phong Phú 2 (1.797 tỷ đồng), An Dương Vương (1.741 tỷ đồng)…

CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 ghi nhận, tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của NLG đạt hơn 29.829 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 20.303 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm. Phần lớn cơ cấu hàng tồn kho của NLG tới từ các dự án Izumi (8.718 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 1 (3.741 tỷ đồng), Akari (2.752 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 2 (2.128 tỷ đồng), dự án Cần Thơ (2.110 tỷ đồng)…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) ghi nhận, tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Đất Xanh đạt gần 28.851 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm 48% tổng tài sản, tương đương 13.830 tỷ đồng, trong đó bất động sản dở dang là hơn 11.300 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 716 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) ghi nhận 22.663 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 12.854 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của Phát Đạt.

Hàng tồn kho gấp gần 3 lần giá trị tổng khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn 4.415 tỷ đồng của Phát Đạt, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.366 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 3.048 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho của Phát Đạt chủ yếu là giá trị quỹ đất được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) ghi nhận tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản đạt 9.337 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền nắm giữ tăng mạnh 85% so với đầu năm ghi nhận gần 53 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận tại 6.922,8 tỷ đồng, chiếm 74% tổng tài sản, trong đó, bất động sản dở dang đang xây dựng có giá trị hơn 6.400 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và cả các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, HoSE: DIG) tăng 7,9% so với đầu năm, đạt 18.154 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 1.326 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 43,3% tổng tài sản với 7.865 tỷ đồng. Trong hàng tồn kho, các dự án chiếm tỷ trọng lớn vẫn là Đại Phước, Nam Vĩnh Yên, Long Tân...

CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) ghi nhận tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Văn Phú – Invest là 11.288 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm. Trong đó, VPI ghi nhận 3.348 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 9,4% so với đầu năm.

Thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) tăng nhẹ 2%, đạt 10.891 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 4.016 tỷ đồng chiếm 36,9% tổng tài sản. Trong đó, biến động tồn kho chủ yếu do hàng hóa bất động sản tăng 27,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 231 tỷ đồng, lên 1.076 tỷ đồng; bất động sản dở dang tăng 4,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 117 tỷ đồng, lên 2.898 tỷ đồng…

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, cuối quý 3/2024, lượng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền trên cả nước lên đến 25.937 sản phẩm, tăng tới 52% so với quý trước. Trong đó, số lượng chung cư khoảng 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ 12.250 căn và đất nền là gần 9.000 sản phẩm.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp địa ốc cần chủ động rà soát, điều chỉnh giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ". Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động giải quyết các khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu để tiếp tục triển khai dự án, mở bán ra thị trường, tránh việc đầu tư dàn trải.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-nao-dang-om-luong-hang-ton-kho-nhieu-nhat-35686.html