Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó khăn về nguồn vốn
Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn gặp khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển do chưa tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, bên cạnh các rào cản về thủ tục và điều kiện vay vốn.
So với cuối năm 2024, lãi suất cho vay bình quân những tháng đầu năm 2025 của các ngân hàng đã giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao.
VietinBank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 1/2025 là 5,6%/năm; chênh lệch lãi suất bình quân giữa cho vay và huy động là 2,3%/năm. BIDV cho vay với lãi suất bình quân là 5,66%/năm; lãi suất huy động bình quân 2,91%/năm. Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân tháng 1/2025 là 5,70%/năm; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân 2,9%/năm. Với Agribank, lãi suất cho vay bình quân tháng 1/2025 là 6,8%/năm; chênh lệch bình quân 1,45%/năm.
Lãi suất vẫn cao khiến người mua nhà và nhà đầu tư khó sử dụng đòn bẩy tài chính. Mặt khác, các ngân hàng vẫn duy trì kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản.
Bà Dương Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy Group cho biết: "Lãi suất xuống thì ngân hàng đang dư tiền, nhưng những công ty bất động sản tiếp cận rất khó. Trung Thủy tiếp cận ngân hàng trên cơ sở tiềm lực tài chính của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi chỉ hỗ trợ được một phần cho khách hàng và khách hàng phải tự cân đối để làm sao có thể có tiền thanh toán lãi khi mình ở".
Tính chung cả năm 2024, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống ngân hàng ước đạt 3,3 - 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21 - 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn thận trọng cho vay bất động sản bởi rủi ro nợ xấu cao. Theo các chuyên gia, ngoài đáp ứng các điều kiện vay ngân hàng theo quy định, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm đa dạng nguồn vốn khác. Đây là điều mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh trong báo cáo Quốc hội.
“Trong rất nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đều có chủ trương đối với vốn tín dụng, mở rộng vốn tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả. Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với lĩnh vực bất động sản, rủi ro là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng. Bởi bản chất của tín dụng bất động sản là thường giá trị lớn và kỳ hạn dài. Trong khi đó, hệ thống tiền gửi của ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, có thể có những thời điểm khách hàng đến rút tiền lại chưa thể đòi được những cái khoản nợ dài hạn", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc quá phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng sẽ đem đến nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn tổ chức tín dụng khi dự án gặp khó về thanh khoản. Phải khẳng định, nhu cầu của người dân vẫn rất cao nhưng thị trường lại không thể đáp ứng. Nguyên nhân là do sự lệch pha trong các phân khúc hiện nay. Bất động sản cao cấp dư thừa trong khi nhà ở vừa túi tiền nguồn cung vẫn còn hạn chế.
Ông Lê Hồng Hoán, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đất Việt cho rằng: "Chúng ta phải tạo ra được các dự án phù hợp với thị trường, lúc đấy thị trường sẽ hấp thụ tốt. Trước mắt, trong giai đoạn vẫn còn đang khó khăn này, tôi nghĩ các chủ đầu tư nên hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tất cả các dự án bất động sản và chuẩn bị tât cả những gì cần thiết nhất để khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục thì tập trung vào đầu tư. Cũng phải cơ cấu lại doanh nghiệp phù hợp, cái nào cần phát triển trước, cái nào cần phát triển sau, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay".
Việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng dòng vốn cần được ưu tiên cải thiện hơn. Dòng tiền bơm vào thị trường bất động sản cần kiểm soát tốt, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà về giá trị thực, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân.