Doanh nghiệp bất lực trong việc chống hàng giả

Gần đây các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng kết quả xử lý hàng giả rất thấp. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã gắng sức phòng chống nhưng bất lực trước thực trạng hàng giả xuất hiện ngày càng dày đặc trên thị trường.

Đây là những thông tin được nêu ra tại Diễn đàn “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”, do Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty Vina CHG tổ chức ngày 27/11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Mệt mỏi trong khâu chống hàng giả

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn - chia sẻ, tình trạng hàng giả hiện đang ở thời kỳ “bệnh đã di căn”, vì thế DN chỉ còn cách phòng vì chống không hiệu quả nữa. Để phòng hàng giả, ngoài dán tem chống làm giả, nâng cao chất lượng sản phẩm, Nón Sơn đang sử dụng app thông tin chống hàng giả và thông báo ứng dụng này rộng rãi tại các điểm kinh doanh, trên truyền thông và tận tay người tiêu dùng. “DN tự phòng hàng giả chỉ là một giải pháp, điều chỉnh luật tăng quyền hạn cho các cơ quan chức năng, rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với người làm hàng giả thì mới triệt được làm nhụt chí kẻ gian”, ông Tý nói thêm.

Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Điện tử Minh Tuấn - cho hay, công ty là nhà phân phối độc quyền nhãn hàng BMB tại Việt Nam nhưng trên mạng có không dưới 20 trang web đang kinh doanh nhãn hàng BMB giả.

Ông Trí nói rằng, do hàng giả giống như hàng thật, lại bán chỉ có 50% giá, các kênh bán hàng online hàng giả này chiêu dụ hết khách hàng, đẩy DN đến rất gần phá sản. Trong năm 2019, hàng giả đã gây lỗ cho công ty không dưới 40 tỷ đồng và khó khăn này tiếp tục tăng lên.

“Với kiểu kinh doanh phi thương mại như trên, DN rất cần các cơ quan nhà nước ban hành những điều luật cụ thể đối với hình thức kinh doanh hàng giả trên mạng để những người bị hại có cơ sở đi khiếu kiện đòi quyền lợi”, ông Trí bức xúc.

Bà Phạm Thị Đào - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH SX Mỹ phẩm Anh Đào – thừa nhận, công tác phòng chống hàng giả là việc làm rất khó đối với bất cứ DN nào. Để bảo vệ cho sản phẩm của mình, công ty đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, tem chống giả, đầu tư hệ thống chính sách bán hàng tại các tỉnh thành. “Công ty tự cứu mình bằng cách treo thưởng với mức giá 600 triệu đồng cho một lượt bắt được hàng giả. Bởi vì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trrong khâu phát hiện và xử lý hàng giả”, bà Đào nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn phát biểu tại hội nghị

Hợp tác nhiều nguồn lực để chống hàng giả

Đại diện Tổng Cục QLTT, ông Nguyễn Văn Dũng nhận định, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái nhãn hiệu trên thị trường diễn biến ngày càng phức tạp và chưa được đẩy lùi. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử lý gần 6.600 vụ vi phạm về hàng giả, xử phạt hơn 19 tỷ đồng. Theo ông Dũng, mặc dù các cơ quan chức năng gần đây đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng hàng giả vẫn chưa kéo giảm trên thị trường. “Để công tác chống hàng giả hiệu quả, các cơ quan chức năng thực thi là chưa đủ mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý; nhà sản xuất phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm, người tiêu dùng cần nhận diện hàng thật, hàng giả, tích cực tố giác hàng giả thì mới đẩy lùi được hàng giả”, ông Dũng đánh giá.

Đồng ý kiến, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG Nguyễn Viết Hồng cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiện hiệu nay thực sự không đơn giản nên cần sự phối hợp, đồng thuận cao giữa các lực lượng chức năng, DN, đoàn thể và cộng đồng người tiêu dùng. Vì vậy, sự phối hợp tốt giữa các bên và quyết liệt thực hiện sẽ góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu trên thị trường.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-bat-luc-trong-viec-chong-hang-gia-128940.html