Doanh nghiệp 'bắt vạ' cơ quan quản lý, khó nắm đằng chuôi
Doanh nghiệp khởi kiện cơ quan quản lý là chuyện chẳng đặng đừng. Tuy nhiên, nếu không nắm chặt chẽ các trình tự quy định, sẽ rất khó đi đến cùng.
Bị hủy hợp đồng, doanh nghiệp kiện hải quan
Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng vừa bác đơn khởi kiện của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc tế Minh Giang (Công ty Minh Giang) về việc hủy quyết định ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đơn khởi kiện, tháng 11/2016, Công ty Minh Giang (trụ sở Hải Phòng) nhập 42 mặt hàng gồm xích nâng tải, móc cẩu, vòng xích, mắt nối xích... Xích và các bộ phận rời của xích bằng sắt hoặc thép, loại ghép bằng mối hàn có thuế nhập khẩu là 3%. Ngày 5/5/2017, Công ty bắt đầu nộp hồ sơ nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Quá trình giải quyết hồ sơ diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tới thời gian giao hàng của doanh nghiệp. Đến ngày 9/8/2017, Công ty Minh Giang nhận được Quyết định số 59677 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan về ấn định thuế, một số mặt hàng giữ nguyên thuế suất 3%, một số mặt hàng thuế suất tăng lên là 10%.
Công ty Minh Giang đã khởi kiện, đề nghị tòa án tuyên hủy Quyết định số 59677, định lại mức thuế suất phù hợp. Đồng thời, Công ty yêu cầu Chi cục bồi thường thiệt hại do hành vi chậm thông quan lô hàng dẫn tới doanh nghiệp vi phạm hợp đồng mua bán, không giao đủ hàng đúng hạn cho khách (thiệt hại số tiền 109 triệu đồng); lấy mẫu hàng không đúng quy cách làm mất giá trị sử dụng, chậm trả hàng mẫu dẫn đến doanh nghiệp vi phạm thời gian gia hạn hợp đồng và tiếp tục bị phạt 30,8 triệu đồng; không bán được hàng do bị khách hủy hợp đồng mua bán, gây ra thiệt hại 457 triệu đồng. Tổng số tiền Công ty Minh Giang đòi bồi thường là 597 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau này, khi giải quyết tại tòa án, qua các buổi đối thoại, Công ty Minh Giang đã đồng ý rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Về yêu cầu hủy Quyết định số 59677, tòa án đã có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan và kết quả phân loại hàng hóa của Tổng cục Hải quan thống nhất với Chi cục. Trên cơ sở này, tòa án bác yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp loay hoay kiện cáo
Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Công ty Bảo Sơn) được thuê diện tích 3.000 m2 đất tại Khách sạn Bảo Sơn, địa chỉ 50 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Năm 2013, Bảo Sơn nằm trong danh sách phải điều chỉnh đơn giá thuê đất mới. Ngày 22/10/2013, Sở Tài chính TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 5705 xác định đơn giá thuê đất năm 2011 - 2013 và phê duyệt đơn giá thuê đất từ năm 2015 - 2018. Ngày 20/10/2015, Cục Thuế Hà Nội ra Thông báo số 68117 điều chỉnh lại đơn giá thuê đất từ năm 2015 - 2018.
Bảo Sơn cho rằng, Công ty bị áp mức giá thuê đất mới (2015 - 2018) tăng hơn 12 lần so với mức giá thuê của chu kỳ ổn định 5 năm trước. Nếu áp dụng đơn giá này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn và buộc phải trả lại đất. Doanh nghiệp không đồng ý với mức giá mới và gửi các công văn kiến nghị đến các cơ quan quản lý. Do thời điểm năm 2014, chính sách pháp luật thay đổi, quyền xác định đơn giá thuê đất thuộc Cục trưởng Cục Thuế, không phải là Giám đốc Sở Tài chính. Năm 2015, Bảo Sơn có công văn gửi cơ quan thuế đề nghị xác định lại đơn giá thuê đất.
Ngày 14/10/2015, Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ trì cùng liên ngành thành phố và Bảo Sơn mở cuộc họp để điều chỉnh lại giá thuê đất của Công ty. Tại cuộc họp, Cục Thuế Hà Nội và Sở Tài chính chỉ điều chỉnh lại tỷ lệ tính phần trăm đơn giá là 2% và 1,4% mà không có căn cứ cụ thể. Bởi vậy, ngày 15/10/2015, Bảo Sơn có công văn đến hai cơ quan này để kiến nghị về giá thuê đất là không phù hợp, cao gấp 8 lần so với chu kỳ ổn định 5 năm trước (2006 - 2011).
Bảo Sơn cho rằng, Cục Thuế không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mà ban hành ngay Thông báo số 68117 để áp đơn giá thuê đất mới. Sau khi ra thông báo, ngày 22/10/2015, Cục Thuế Hà Nội mới có công văn trả lời là kiến nghị của Bảo Sơn là không có cơ sở. Đó cũng là lý do doanh nghiệp khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy bỏ Thông báo số 68117.
Khi giải quyết, tòa án đã xem xét Thông báo số 68117 và Quyết định 5705. Điểm mấu chốt của vụ án đã chuyển sang việc làm rõ doanh nghiệp đã có khiếu nại đối với Quyết định 5705 hay không. Lúc này, doanh nghiệp mới “vỡ lẽ” vì đã không gửi đơn thư khiếu nại cho Sở Tài chính. Đặc biệt, trong rất nhiều năm, doanh nghiệp gửi các công văn mang hàm ý không đồng tình với mức giá mới, nhưng các văn bản không phải là “đơn khiếu nại”.
Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội nhận định, tất cả văn bản của Bảo Sơn chỉ là đơn kiến nghị, không thể hiện việc khiếu nại. Tòa án tuyên, Quyết định số 5705 vẫn có hiệu lực thi hành và không chấp nhận đơn khởi kiện của doanh nghiệp.