Doanh nghiệp Brazil muốn tăng bán thịt heo sang Việt Nam
Các đối tượng lừa đảo đều lấy danh nghĩa các hãng sản xuất thực phẩm nối tiếng với các điều kiện rất lỏng lẻo... đặc biệt là giá chỉ rẻ bằng 1/3 thậm chí là 1/3 so với giá thị trường.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã có buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội thịt Brazil và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thịt Brazil.
Ông Ricardo Joao, Chủ tịch Hiệp hội thịt Brazil, cho biết hiện Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh nhập khẩu tất cả các loại thịt từ Brazil do tình hình dịch bệnh trong nước cũng như thương chiến với Mỹ. Điều này đã làm cho nguồn cung xuất khẩu thịt của Brazil giảm mạnh kéo theo giá các mặt hàng thịt tại Brazil tăng hơn 20%.
“Tuy nhiên, các DN Brazil vẫn tiếp tục xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Việt Nam với mong muốn giữ chân khách hàng cũng như không đánh mất thị trường rất quan trọng ở khu vực châu Á” - ông Ricardo Joao nói.
Ngoài ra, hiệp hội thịt Brazil cũng lo ngại mức thuế đang được áp dụng cho các sản phẩm thịt 10%-25% đã làm giảm khá lớn tính cạnh tranh của thịt Brazil tại thị trường Việt Nam.
Với mong muốn xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam, các DN Brazil đã đủ điều kiện mong muốn cơ quan chức năng cả hai nước đẩy nhanh quá trình xem xét, phê duyệt hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Hiệp hội và Thương vụ cũng thống nhất, hai bên dựa vào chức năng nhiệm vụ của mình cần tham vấn cho các cơ quan chính phủ hai nước tìm kiếm các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại như các thỏa thuận song phương, chuyên ngành. Hoặc hai bên cần tiến tới đàm phán, ký kết hiệp định thương mại trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, năm 2019 trị giá xuất khẩu thịt heo của Brazil sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD tăng 87%, xuất khẩu thịt gà đạt 24,5 triệu USD tăng 16% so với năm 2018.
Tại buổi làm việc, Công ty BRF còn thông tin về việc các đối tượng lừa đảo trên mạng Internet lợi dụng thông tin Brazil là nước sản xuất lớn các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật và các DN Việt Nam có nhu cầu lớn nhập khẩu các sản phẩm này để tiêu thụ trong nước, tái xuất sang Trung Quốc.
Hầu hết các hợp đồng mà các đối tượng lừa đảo đều lấy danh nghĩa các hãng sản xuất thực phẩm nối tiếng như BRF, JBS với các điều kiện rất lỏng lẻo, chất lượng hàng hóa rất cao và đặc biệt là giá chỉ rẻ bằng 1/3, thậm chí là 1/3 so với giá thị trường. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đều yêu cầu DN phải chuyển tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản trung gian tại Mỹ hoặc một số nước châu Phi.
Công ty BRF khẳng định hiện đã không còn giao dịch trực tiếp trên mạng Internet mà thông qua hệ thống các đại lý nằm ở nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại thị trường Việt Nam do đại diện ở Singapore phụ trách.
Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Brazil một lần nữa cảnh báo các DN khi giao dịch với các đối tượng có các thông tin như trên, hoặc các dấu hiệu không minh bạch, khác biệt với thị trường khác thì cần thẩm tra kỹ. Và tuyệt đối không nên chấp nhận điều khoản thanh toán đặt cọc trả trước trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.
DN quan tâm có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Brazil để có thêm thông tin về DN xuất khẩu thịt heo, gà cũng như thẩm tra đối tác trước khi giao dịch.