Doanh nghiệp bưu chính cần hợp tác để phát triển
Lĩnh vực bưu chính đang có sự chuyển biến hướng tới hiệu quả khi số lượng các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, hiệu suất lao động được cải thiện.
Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp bưu chính (DNBC) có quy mô nhỏ, hoạt động độc lập, nguồn vốn ít. Để đứng vững trên thị trường, trong thời gian tới, các DNBC cần hợp tác sử dụng chung hạ tầng, tối ưu hóa quy trình để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ trong các khâu giao-nhận hàng…
Xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh
Lĩnh vực bưu chính hiện nay không dừng lại là dịch vụ chuyển phát thư báo đơn thuần mà đang dần trở thành hạ tầng chuyển phát logistics đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử (TMĐT). Tiềm năng của thị trường này ngày càng lớn khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng nhanh.
Tại trung tâm khai thác của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đặt trong khu công nghiệp Nam Từ Liêm (Hà Nội), vào giờ làm việc cao điểm, khối lượng bưu kiện nhiều đến mức cao quá đầu người. Để có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao của khách hàng, Viettel Post đưa vào khai thác băng chuyền chia chọn bưu phẩm tự động với quy mô sản lượng 36.000 bưu phẩm/giờ, rút ngắn thời gian toàn trình của bưu phẩm 4-6 giờ. Đồng thời, tỷ lệ hư hỏng hàng hóa và bưu kiện cũng giảm đáng kể, tỷ lệ sai sót trong chia chọn gần như bằng không.
Cả nước hiện có 440 DNBC hoạt động trên thị trường, chưa kể nhiều doanh nghiệp vận tải cũng tận dụng đầu xe bến bãi sang lĩnh vực bưu chính. Mỗi doanh nghiệp đều xác định phân khúc thị trường riêng. Những doanh nghiệp lớn trong nước có thể kể đến là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Viettel Post tập trung khai thác lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp, giá cước phù hợp, liên tục đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay liên doanh, như: J&T Express, Kerry Express… tập trung vào khách hàng lớn như các công ty, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Điểm chú ý nhất là sự tham gia của các hãng chuyển phát dựa trên nền tảng công nghệ, như: Grab, Go Viet,…
Sự xuất hiện nhiều hình thức chuyển phát cho thấy dấu hiệu tích cực đối với thị trường nhưng cũng đồng nghĩa với việc các DNBC cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng theo bà Hoàng Bảo Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thực trạng hiện nay là ngoại trừ các DNBC lớn, như VNPost, ViettelPost hay các công ty nước ngoài thì đa phần các DNBC đang hoạt động với mạng lưới độc lập, nguồn vốn nhỏ, không có đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ công tác chia chọn và chuyển phát bưu gửi. Do đó, các doanh nghiệp này không có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, khó xây dựng thương hiệu mạnh và có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, bà Chu Thị Lan Hương, Phó tổng giám đốc VNPost thẳng thắn chỉ ra tồn tại gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành, đó là sự xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp cung cấp dưới giá thành khiến các DNBC hoạt động đúng quy định bị ảnh hưởng.
Cần thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam
Nhằm thúc đẩy lĩnh vực bưu chính phát triển trong năm 2019, bà Chu Thị Lan Hương chia sẻ, nên xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Bưu chính để tạo tiếng nói chung và sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong hiệp hội, hạn chế tình trạng làm rối loạn thị trường. Thiếu tá Chu Kim Thoa, Phó tổng giám đốc Viettel Post cũng đồng tình với quan điểm trên và nhận định, các DNBC không hợp lực với nhau nên khi hội nhập quốc tế sẽ không có sức mạnh để làm việc. Ý kiến của các DNBC cũng đều cho rằng, việc thành lập hiệp hội có thể thống nhất quan điểm kinh doanh của doanh nghiệp, đây sẽ là cơ quan trung gian giải quyết các vấn đề vướng mắc trong nội bộ hiệp hội và các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài. Cùng với đó, hiệp hội tập hợp được ý kiến, đánh giá và thực hiện các đề xuất với cơ quan Nhà nước về chính sách quản lý; đồng thời, tham gia vào việc tư vấn cho các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.
Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, để tạo thuận lợi cho hoạt động của DNBC có quy mô nhỏ và vừa, Nhà nước nên đầu tư xây dựng các trung tâm khai thác bưu chính dùng chung hiện đại, đầu tư công nghệ chia chọn, sau đó cho các DNBC đã được quy hoạch đủ điều kiện thuê loại hạ tầng này để kinh doanh. Đồng thời, DNBC phải tăng cường ứng dụng công nghệ trong các khâu giao, nhận hàng.
Đề cập định hướng quản lý, phát triển ngành bưu chính trong 6 tháng cuối năm 2019, trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ sẽ ban hành chỉ thị của Bộ trưởng về định hướng phát triển bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng TMĐT, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt. Cùng với đó, sẽ dịch và phát hành sách tham khảo "Kinh tế số và hoạt động bưu chính số toàn cảnh thế giới", xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính, thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam.