Doanh nghiệp cá tra 'né' thuế Mỹ bằng sản phẩm chế biến sâu
Trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, một số doanh nghiệp cá tra chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao để nâng giá trị, đồng thời tránh rủi ro bị đội giá sau thuế.
Sản phẩm chế biến sâu tăng trưởng đột phá
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận những kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, thách thức lớn đang hiện hữu ở phía trước khi Mỹ, một trong những thị trường chủ lực, chuẩn bị áp dụng mức thuế quan mới.
Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm 2025 đã cán mốc 1,023 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 6/2025, giá trị xuất khẩu đạt 194 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xét về cơ cấu sản phẩm, nhóm cá tra thuộc mã HS 03 (cá tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh) vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo với 997 triệu USD, tương đương 98% tổng kim ngạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, cá tra phi lê đông lạnh (mã HS 0304) tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp 821 triệu USD, cũng tăng 11%.

Xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu đạt 26 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, nhóm sản phẩm chế biến sâu (mã HS 16) dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu các sản phẩm này đạt 26 triệu USD, tăng vọt 48% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng tái cấu trúc ngành và giảm phụ thuộc vào sản phẩm thô.
Dù vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra số 1 của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, tháng 6/2025 đạt 53 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang đây đạt 249 triệu USD, giảm 4%.
Trong khi đó, thị trường Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2025 đạt 34 triệu USD, tăng 23% so với tháng 6/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 175 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Với Brazil, thị trường Nam Mỹ này đang chứng tỏ sức tiêu thụ mạnh mẽ đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, đặc biệt là phi lê đông lạnh. Tháng 6/2025, xuất khẩu cá tra sang Brazil bùng nổ với mức tăng 111% so với cùng kỳ, đạt 16 triệu USD, trở thành một điểm sáng đầy tiềm năng.
Ngược lại, xuất khẩu sang khối EU có dấu hiệu chững lại trong tháng 6/2025 khi chỉ đạt 13 triệu USD, giảm 15%. Tuy nhiên, tính chung cả 6 tháng đầu năm, thị trường này vẫn tăng trưởng 5%, đạt 90 triệu USD. Trong đó, Hà Lan vẫn là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch lũy kế đạt 26 triệu USD, tăng 11%.
Thách thức lớn từ chính sách thuế của Mỹ
VASEP nhận định, bức tranh tăng trưởng đang đối mặt với thách thức lớn nhất đến từ thị trường Mỹ. Theo thông tin cập nhật ngày 15/7/2025, Mỹ gia hạn tạm dừng thuế quan đối ứng, chuẩn bị áp thuế mới từ 1/8. Với sắc lệnh mới, Tổng thống Trump đã gửi thư chính thức đến một số quốc gia, thông báo áp dụng mức thuế quan đối ứng mới với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia này vào Mỹ, có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2025.
Theo đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 20%. Trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, một số doanh nghiệp chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao để nâng giá trị, đồng thời tránh rủi ro bị đội giá sau thuế. Do đó, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ các đơn hàng từ đầu năm. Đặc biệt là các hợp đồng giao hàng FOB/CIF ký trước đó, nên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế của tháng 6.
Nhìn chung, ngành cá tra Việt Nam đã có nửa đầu năm 2025 thành công về mặt số liệu. Tuy nhiên, những tháng cuối năm được dự báo sẽ đối mặt với nhiều "sóng gió", đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm để vượt qua thách thức, duy trì đà tăng trưởng bền vững.