'TP.HCM có nền tảng bứt phá, kỳ vọng một cực tăng trưởng mới của Việt Nam'

Nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển như đại đô thị Seoul SMA Hàn Quốc, TP.HCM được các nhà nghiên cứu thị trường và chuyên gia kỳ vọng sẽ bứt phá ngoạn mục trong 20 năm tới.

Tại hội thảo "Toàn cảnh thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025" diễn ra ngày 22/7 tại TP.HCM, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho biết, hai từ khóa "hot" nhất thời gian qua là "kỷ nguyên vươn mình" và "thuế đối ứng".

Đô thị đa trung tâm TP.HCM. Nguồn Batdongsan.com.vn

Đô thị đa trung tâm TP.HCM. Nguồn Batdongsan.com.vn

TS Võ Chí Thành cho rằng nhiều chính sách mới sau sắp xếp lại bộ máy chính quyền đã tạo cơ hội lớn cho sự phát triển đô thị, tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Đồng thời, chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Triển vọng mô hình đô thị đa trung tâm

Một điểm nhấn của giai đoạn này đến từ sự định hình các cực tăng trưởng mới hậu sáp nhập, đặc biệt là khu vực liên kết TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi địa phương đang đảm nhận vai trò riêng trong chuỗi giá trị liên hoàn: TP.HCM - Trung tâm tài chính, điều phối và dịch vụ cao cấp; Bình Dương - Hạt nhân công nghiệp - công nghệ cao; Bà Rịa - Vũng Tàu - Đầu mối logistics - cảng biển quốc tế. Mô hình phát triển đa cực này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho từng địa phương, mà còn mở ra triển vọng hình thành một đại đô thị quy mô lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.con.vn thông tin, sau sáp nhập đơn vị này đã nghiên cứu và chia ra 6 nhóm đô thị: đô thị đa trung tâm, trung tâm công nghiệp, trung tâm du lịch, tỉnh ven biển - kinh tế biển, tỉnh chiến lược quốc phòng, đô thị vệ tinh. Sau sáp nhập, TP.HCM "mới" trở thành đại đô thị trọng điểm đứng đầu về quy mô kinh tế, diện tích và dân số.

TP.HCM chiếm 25% GDP quốc gia, quy mô dân số 13,5 triệu người, diện tích 6.772ha, 6,7 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, TP.HCM mới cũng thiết lập một chuỗi giá trị liên hoàn Công nghiệp - Điều phối - Logistics.

Trong đó, TP.HCM cũ là trung tâm kinh tế, điều phối, tài chính, công nghệ, là "bộ não" quyết định chiến lược, thu hút FDI, vận hành chuỗi cung ứng, phát triển R&D và đổi mới sáng tạo. Bình Dương là trung tâm công nghiệp, là "đầu vào", nơi sản xuất hàng hóa, linh kiện, vật tư. Bà Rịa - Vũng Tàu; là trung tâm Logistics - cảng biển, là "đầu ra" giúp luân chuyển hàng hóa ra thị trường quốc tế nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: sau sáp nhập TP.HCM có nền tảng bứt phá, kỳ vọng một cực tăng trưởng mới của Việt Nam.

TP.HCM sau sáp nhập có 96,7 km cao tốc, hướng đến 647,9 km cao tốc trước năm 2030. TP.HCM có 19,7km tuyến metro số 1, mục tiêu có 12 tuyến metro với 607,5 km trước năm 2035, giải ngân vốn đầu tư công được tăng tốc cho hệ thống đường vành đai. Nếu so với Seoul SMA trước năm 1982, họ chỉ có 1 tuyến metro 7,4km và dưới 100 km cao tốc liên vùng.

TP.HCM cũ được quy hoạch phát triển theo 6 phân vùng đô thị chính, tạo lợi thế cộng hưởng với các cực kinh tế vùng lân cận. Đó là Khu vực đô thị trung tâm (vùng lõi Sài Gòn - Chợ Lớn), phân vùng phía Đông (Thành phố Thủ Đức), phân vùng phía Nam (gồm quận 7, Nhà Bè, một phần Bình Chánh), phân vùng phía Tây (một phần Bình Chánh, một phần Bình Tân), phân vùng phía Bắc (gồm Củ Chi, Hóc Môn, một phần quận 12), phân vùng phía Đông Nam (huyện Cần Giờ)

Với quy hoạch được công bố và cách bố trí sau sáp nhập như hiện nay, các chuyên gia khẳng định, TP.HCM mới giống mô hình đại đô thị Seoul SMA của Hàn Quốc.

Các chuyên gia dự báo, cái đích tới Seoul SMA, TP.HCM sẽ đến trong vòng 20 năm tới.

Mô hình đại đô thị Seoul SMA của Hàn Quốc

Qua nghiên cứu và phân tích mô hình đại đô thị Seoul SMA, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay, Seoul SMA trước năm 1982 được chia ra 3 trung tâm. Đó là Seoul, Incheon và Gyeonggi-do. Trong đó, Seoul chiếm 44% GDP của Hàn Quốc, Incheon chiếm 50% vốn FDI của Hàn Quốc và Gyeonggi-do chiếm 37% dân số của Hàn Quốc

Tương tự, TP.HCM (sau sáp nhập - PV) chia thành 3 trung tâm đó là TP.HCM cũ, BRVT và Bình Dương.

TP.HCM "mới" có mô hình giống với Seoul SMA. Nguồn Batdongsan.com.vn

TP.HCM "mới" có mô hình giống với Seoul SMA. Nguồn Batdongsan.com.vn

Seoul SMA chia làm 3 trung tâm, trong đó Seoul là trung tâm tài chính, công nghệ cao, hành chính quốc giá, R&D, tiêu dùng cao cấp. Incheon là trung tâm logistics quốc tế, khu công nghiệp, cảng biển, giao thương quốc tế. Gyeonggi-do là trung tâm khu công nghệ cao (Samsung, LG), đô thị vệ tinh. Cách bố trí này tương tự TP.HCM mới hiện nay.

Sau 43 năm phát triển, một nửa kinh tế Hàn Quốc tập trung tại Seoul SMA.

Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc KOSIS mà Batdongsan.com.vn nghiên cứu, tới năm 2024, Seoul SMA chiếm 56% GDP của Hàn Quốc, chiếm 50,7% tổng dân số Hàn Quốc và chiếm 49,1% tổng số doanh nghiệp của Hàn Quốc. So sánh GDP bình quân đầu người giữa Seoul SMA với Hàn Quốc, thế giới, Đông Á và Thái Bình Dương, thì Seoul SMA đang dẫn đầu theo đà tăng tiến, dù xuất phát điểm thấp hơn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.con.vn trình bày tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025" tại TP.HCM

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.con.vn trình bày tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025" tại TP.HCM

Seoul SMA thực hiện các chính sách phát triển theo vùng chức năng lõi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tỷ trọng GDP một số nhóm ngành nổi bật theo khu vực hơn 40 năm của Seoul SMA cho thấy: Seoul tăng trưởng mạnh tỷ trọng nhóm ngành thông tin, khoa học kỹ thuật và quản lý, với mức 26% (năm 1985) lên 52% (năm 2023); Incheon tăng trưởng mạnh tỷ trọng nhóm ngành vận tải, kho bãi và kinh doanh, với mức 30% (năm 1985) tới 58% (năm 2023); Gyeonggi-do tăng mạnh tỷ trọng nhóm ngành chế tạo thiết bị tinh vi, y tế và bất động sản, từ chỗ 15% (năm 1985) lên 30% (năm 2023).

Seoul SMA áp dụng hiệu quả chính sách giãn dân cho mô hình đô thị đa trung tâm. Nguồn Batdongsan.com.vn

Seoul SMA áp dụng hiệu quả chính sách giãn dân cho mô hình đô thị đa trung tâm. Nguồn Batdongsan.com.vn

Seoul SMA thực hiện chính sách giãn dân hiệu quả, từ Seoul ra 2 khu vực lân cận được hỗ trợ bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng. Chính sách này đã thúc đẩy đường cao tốc phát triển. Từ chỗ, cơ sở hạ tầng chỉ có 7,4 km metro và dưới 100 km cao tốc liên vùng, tới năm 2020, Seoul SMA có 1150 km metro và tàu ngoại ô với công nghệ hiện đại, 3 vành đai kết nối với 272 km.

"Nếu phát triển theo mô hình Seoul SMA, TP.HCM sẽ có một thời kì rực rỡ, thú vị trong 20 năm nữa", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Tâm Bút

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tphcm-co-nen-tang-but-pha-ky-vong-mot-cuc-tang-truong-moi-cua-viet-nam-192250722184754167.htm