Doanh nghiệp cải tiến chất lượng, tái khởi động kinh doanh

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, hàng Việt ngày càng chú trọng yếu tố chất lượng, nắm bắt cơ hội thị trường và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu nội địa.

Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 12/6, tại hội thảo "Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ bí quyết tái khởi động kinh doanh; đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng chất lượng hàng hóa sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp hàng Việt chinh phục thị trường toàn cầu.

Dẫn chứng cụ thể, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết khi nhận thấy thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm diệt khuẩn, xà phòng... doanh nghiệp đã nỗ lực tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ Hảo cũng vướng phải yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Tương tự, xuất phát từ thực trạng người nông dân trồng trái thanh long không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, đã tạo động lực cho ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bánh kẹo Á Châu - ABC Bakey, triển khai nghiên cứu sản phẩm bánh mỳ thanh long. Cùng với sự đồng hành của đội ngũ người lao động tại ABC Bakey, bánh mỳ thanh long đã ra đời trong 3 ngày và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng.

Ông Kao Siêu Lực cho hay với mong muốn ngày càng có thêm nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sử dụng nguồn nguyên liệu từ trái thanh Long, ABC Bakey đã công khai phổ biến công thức chế biến bánh mì thanh long ra cộng đồng.

Song song đó, ABC Bakey cũng kỳ vọng thông qua việc này tạo nên làn sóng lan tỏa trong doanh nghiệp và khuyến khích họ sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông sản, thực phẩm Việt vào sản xuất, chế biến hàng hóa.

Sản xuất bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

Sản xuất bún dưa hấu tại Công ty Thực phẩm Duy Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp nhiều quốc gia đang loay hoay trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Riêng tại Việt Nam có những doanh nghiệp tiên phong vượt khó để vươn lên, cho thấy hàng Việt ngày càng chú trọng yếu tố chất lượng, nắm bắt cơ hội thị trường và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu nội địa.

Đặc biệt, những doanh nghiệp này là doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền, còn minh chứng cho thương hiệu Việt đã và đang phát triển bền vững trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã thể hiện phương thức tiếp cận thị trường từ khách hàng và có bước tiến đột phá đi vào chất lượng sản phẩm với hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập.

Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng Việt Nam chất lượng cao từng bước tiến đến chuẩn hội nhập không chỉ giúp danh nghiệp mở rộng thị trường, mà còn thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng Việt đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ sở định hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tính cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, khi hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tận dựng lợi thế tại những thị trường mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, đưa ra dự báo sẽ mất rất lâu để khôi phục nên kinh tế, cũng như dịch bệnh có tác động lâu dài đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Tùy vào tác động của dịch bệnh, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi như thế nào trong tương lai, mà các thương hiệu và ngành ngành có xu hướng phục hồi khác nhau.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên trên số liệu người mua hàng và dự báo nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng động lực tăng trưởng từ hoạt động tiếp thị, chuyển động các kênh mua sắm...

Còn kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch COVID-19 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cũng cho thấy, xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.

Cụ thể, có 98% những người đã mua online trong thời gian dịch bùng phát sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.

Kết quả khảo sát này cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng quan tâm các yếu tố tiện lợi, dễ tìm mua, uy tín thương hiệu... ngược lại yếu tố quảng cáo, khuyến mãi không còn là tác nhân quan trọng tạo nên sức hút như trước đây.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt (ý thức chăm sóc sức khỏe)./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-cai-tien-chat-luong-tai-khoi-dong-kinh-doanh/645331.vnp