Doanh nghiệp cam kết đẩy nhanh thu hoạch, tăng giá thu mua mía cho dân
Doanh nghiệp cam kết trong những ngày tới sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tăng giá thu mua mía cho nông dân ở Hậu Giang.
Thời gian qua, nông dân Hậu Giang vô cùng lo lắng khi giá thu mua mía niên vụ 2019-2020 đã thấp lại còn bị Nhà máy đường thu mua chậm nên có nguy cơ nhiều diện tích mía chết khô ngoài đồng. Trước thực trạng trên, mới đây lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã cam kết trong những ngày tới sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tăng giá thu mua mía cho nông dân.
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp ngành và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Ở niên vụ mía 2019-2020 này, nông dân trong tỉnh sẽ bắt đầu thu hoạch mía từ tháng 7/2019 và kết thúc vào tháng 2/2020. Trong đó, từ tháng 7 đến giữa tháng 9, bà con chủ yếu thu hoạch mía chục để bán làm nước giải khát, thời gian còn lại sẽ chuyển sang thu hoạch mía rộ để bán cho nhà máy đường.
Tuy nhiên, so với kế hoạch thì tình hình tiêu thụ mía hiện nay rất chậm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới thu hoạch được hơn 3.000ha mía trong tổng số hơn 8.000ha mía đã xuống giống, giảm gần 1.000ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số mía đã thu hoạch thì có đến gần 2.300ha bà con bán mía chục và chỉ có hơn 800 ha được nhà máy đường thu mua.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ mía diễn ra chậm, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng: Do trên địa bàn có 3 nhà máy đường nhưng giờ chỉ còn có 1 nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ hoạt động và bà con muốn thu hoạch mía phải có lệnh đốn chặt từ Công ty này.
Bên cạnh đó, công suất ép mía của nhà máy đường Phụng Hiệp cũng chỉ đạt ở mức thấp. Từ khi vào vụ sản xuất, trung bình nhà máy chỉ ép khoảng 1.400 tấn mía/ngày và những ngày qua đã nâng lên được từ 2.400-2.600 tấn/ngày. Sắp tới nếu Nhà máy tăng công suất ép mía tối đa thì cũng ở mức 3.000 tấn mía/ngày, tương đương khoảng 30ha mía.
“Nếu chỉ có một nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, phải mất hơn 5 tháng nữa mới tiêu thụ hết 5.000ha mía còn lại trên địa bàn tỉnh, trong khi hiện có nhiều diện tích mía của nông dân đã quá ngày thu hoạch, trong đó có khoảng 1.000ha mía đang có dấu hiệu chết cây”, ông Hùng phân tích.
Ông Hùng đề nghị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ nên sớm đưa các nhà máy còn lại đi vào hoạt động và nghiên cứu tăng giá thua mua mía cho nông dân.
“Nhà máy cũng có tính toán, cân nhắc công suất rồi chia sẻ với Sóc Trăng, Trà Vinh. Hiện, chưa có chính sách, kế hoạch cụ thể khi dẹp Nhà máy đường Vị Thanh hơi sớm. Thực tế chưa tính toán khả năng tiêu thụ mía cho ổn. Giá mía hiện 600-700 đồng/kg. Tính bình quân như vậy, lợi nhuận 1ha đất của người trồng mía không được 2 triệu đồng. Vậy làm sao bảo tồn được vùng nguyên liệu, nếu không có chính sách hợp lý”, ông Hùng nói.
Chưa có năm nào người dân tỉnh Hậu Giang phải đối mặt với tình cảnh rất khó bán mía như năm nay, nhất là tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL.
Hiện tại các vùng trũng ở địa phương này thuộc xã Tân Long, Long Thạnh, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu… giống mía chín sớm ROC 16 đã quá thời điểm thu hoạch nhưng bình quân mỗi ngày người dân nơi đây chỉ đốn được khoảng10ha mía, trong khi nhu cầu của bà con muốn bán mía gấp hơn 10 lần số con số này.
Trước sự lo lắng của người trồng mía, mới đây trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các ngành chức năng, ông Trần Ngọc Hiếu- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ cho biết: Những ngày tới, Công ty cố gắng sớm nâng hết công suất ép lên 3.000 tấn mía cây/ngày tại Nhà máy đường Phụng Hiệp, đồng thời sẽ đưa Nhà máy đường Sóc Trăng chính thức vào vụ sản xuất trong ngày 11/11 tới. Khi đó, khả năng mỗi ngày sẽ tiêu thụ từ 5.000-6.000 tấn mía, tương đương diện tích khoảng 50-60ha mía, qua đây góp phần tiêu thụ nhanh diện tích mía cho nông dân Hậu Giang.
Theo ông Trần Ngọc Hiếu, những niên vụ mía trước, do lượng đường cung nhiều hơn cầu nên giá đường trên thị trường thấp, từ đó kéo theo giá thu mua mía của nông dân không cao. Riêng vụ mía năm nay, qua thống kê thì diện tích mía của toàn vùng ĐBSCL giảm từ 30-40% nên lượng đường cung ra thị trường giảm, từ đó giá đường hiện nay tương đối cao. Do đó, Công ty đang xem xét nâng giá thu mua trong thời gian tới cho người trồng mía.
“Giá mía của dân là chắc chắn phải tăng, còn tăng vào thời điểm nào, tăng làm sao thì bài toán này thực ra không quá khó. Bây giờ tăng lên 50 đồng/kg mía là người dân cũng phấn khởi, thì chúng tôi đang cẩn trọng. Chúng tôi bán được hàng đã. Chúng tôi quyết tâm tiêu thụ mía tích cực hơn nữa và ưu tiên cho những vùng khó khăn. Chúng tôi quyết tâm huy động và tiêu thụ hết sản lượng mía”, ông Hiếu cho hay.
Trước cam kết lãnh đạo Công ty cổ phầm mía đường Cần Thơ, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương có vùng mía nguyên liệu có giải pháp huy động nhân công thu hoạch mía, trong đó tiếp tục phát huy các tổ vần công đốn mía trong dân để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ tăng tối đa công suất ép và Nhà máy đường Sóc Trăng vào vụ.
Đối với Công ty cổ phầm mía đường Cần Thơ nên thực hiện tốt cam kết của mình là thu mua hết mía cho nông dân Hậu Giang, có kế hoạch thanh toán nhanh tiền mua mía của dân và tính toán thời gian thu hoạch cho từng vùng được phù hợp, tránh tình trạng mía của nông dân bị chết khô ngoài đồng vì không bán được.
“Trước mắt là phải làm sao tiêu thụ hết mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Cố gắng tăng công suất tối đa và chạy với công suất của nhà máy ở Sóc Trăng, ưu tiên cho vùng có khả năng bị ngập úng. Nếu có điều kiện tài chính tốt, vụ thanh toán nhanh, 5 ngày có thể tụt xuống 2 ngày. Chúng ta hy vọng đảm bảo sản lượng của vùng nguyên liệu, đảm bảo cho nhà máy hoạt động. Ví dụ tăng năng suất lên, hạ giá thành xuống người ta sẽ giữ cây mía”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cũng đề nghị các địa phương có vùng mía nguyên liệu tập trung quản lý tốt việc người dân chuyển đổi từ đất mía sang cây trồng khác, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường, nhất là đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cam kết đồng hành, hỗ trợ, chia sẽ những khó khăn cùng doanh nghiệp sản xuất đường, nhất là nguồn vốn vay của ngân hàng./.