Doanh nghiệp cam kết không tiếp tay cho hàng lậu qua đường bưu chính

Lần đầu tiên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát tại Việt Nam đã cùng ký cam kết không nhận, chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện. Cam kết này nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 28/CT-BTTTT (ngày 8/5/2020) của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện.

Theo nội dung cam kết được ký, 6 doanh nghiệp bưu chính chuyển phát gồm: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty CP Chuyển phát nhanh bưu điện (EMS Vietnam), Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm, Công ty CP Thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Bình sẽ không nhận, chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu điện.

Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát cam kết không vận chuyển hàng lậu

Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát cam kết không vận chuyển hàng lậu

Theo đó, các doanh nghiệp cam kết thực hiện những nội dung sau: Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; Đào tạo, phổ biến, quán triệt đến người lao động các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính; Tăng cường kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Cũng theo nội dung các kết, các doanh nghiệp sẽ từ chối, không chấp nhận, vận chuyển, phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính hoặc không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để kinh doanh, sử dụng hàng lậu, hàng cấm.

Các doanh nghiệp này cũng sẽ đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Tại hội nghị chuyên đề về công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 28/7/2020, lãnh đạo Bộ này cho biết, cho biết, hiện nay, thị trường bưu chính, chuyển phát đang ngày càng mở rộng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, tốc độ phát triển thương mại điện tử sẽ ngày càng cao và còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.

“Vì vậy, số lượng doanh nghiệp chuyển phát với quy mô hoạt động, doanh thu khác nhau xin cấp phép tăng nhanh. Hiện thị trường có tổng số 500 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát được cấp phép. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng xin cấp phép để phục vụ thị trường nội địa”- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên ông Tuấn cũng nhìn nhận một số hiện tượng nhức nhối như doanh nghiệp áp dụng giá dịch vụ bưu chính, vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh dẫn đến bóp méo thị trường; Nhiều doanh nghiệp xin cấp phép để xe được ghi chữ “Xe bưu chính” nhưng không thực hiện chuyển phát mà để tránh bị kiểm tra...

Đáng chú ý trong hai vụ bắt giữ hàng lậu “khủng” mới đây tại Lào Cai và Hà Nội đều có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp chuyển phát. Tại Lào Cai khi lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang một xe chuyển phát đang chờ chở hàng đi. Còn tại Hà Nội, hàng lậu đang chờ vận chuyển lại nằm ngay tại cơ sở của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát.

Trong khi đó, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện để lắp ráp vũ khí trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng.

Thời gian qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 7.270 bưu phẩm, bưu kiện phát tán qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6.000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi số thành công và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật để phát triển lâu dài, bền vững làm lành mạnh thị trường.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cam-ket-khong-tiep-tay-cho-hang-lau-qua-duong-buu-chinh-141148.html