Doanh nghiệp cần bảo đảm pháp lý từ khi khởi nghiệp

Vấn đề pháp lý là một trong những điều mà các doanh nghiệp (DN) cần quan tâm hàng đầu ở bất cứ giai đoạn phát triển nào.

Việc ý thức được tầm quan trọng của pháp lý và sử dụng các dịch vụ pháp lý khi cần thiết sẽ giúp DN giảm đến mức thấp nhất những hậu quả pháp lý khó lường. Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Văn Hồi, luật sư điều hành, nhà sáng lập Công ty Luật My Way về vấn đề này.

 Luật sư Lê Văn Hồi.

Luật sư Lê Văn Hồi.

Phóng viên (PV): Theo ông, DN khởi nghiệp (startup) thường gặp phải những lỗi gì về mặt pháp lý?

Luật sư Lê Văn Hồi: Các lỗi cơ bản thường gặp khi thành lập và vận hành DN chủ yếu nằm ở vấn đề đăng ký kinh doanh, thỏa thuận đồng sáng lập, quyết toán thuế và sở hữu trí tuệ. Nhiều DN đăng ký với số vốn không đúng so với thực tế, thường ở mức quá cao hoặc đăng ký vốn ảo do theo luật hiện nay DN không còn phải chứng minh số vốn. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vốn góp còn nhiều hạn chế dẫn đến hậu quả DN bị xử phạt hành chính và nhiều vấn đề khác liên quan đến quyết toán thuế, tranh chấp sở hữu cổ phần giữa các sáng lập viên về vấn đề góp vốn.

Yếu tố quan trọng tiếp theo mà DN chưa chú trọng là không có thỏa thuận giữa các sáng lập viên liên quan đến những vấn đề, như: Công việc, lợi nhuận, rủi ro, vị trí, quyền hạn. Nhiều DN sử dụng những mẫu thỏa thuận, biên bản có sẵn trên mạng hết sức sơ sài, không mang tính chất đặc thù cho DN, sau này sẽ gây bất lợi cho các hoạt động của DN.

Không chỉ vậy, nhiều startup hiện nay chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường mà bỏ qua vấn đề về quản trị doanh nghiệp và thuế. Nhiều đơn vị tự kê khai thuế nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật thuế cơ bản, thậm chí dẫn đến bị xử phạt do không kê khai thuế hoặc kê khai thuế sơ sài. Dù không có doanh thu hay “báo cáo trắng”, DN vẫn cần chú ý kê khai, báo cáo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, còn nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, không đăng ký nhãn hiệu cũng như không chuyển giao toàn bộ công nghệ của mình cho Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, việc tuân thủ về bản quyền, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn ở mức thấp nên còn nhiều tranh chấp giữa các DN liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ và nhãn hiệu.

 Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế.Ảnh: ANH VIỆT

Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế.Ảnh: ANH VIỆT

PV: Ông có lời khuyên gì cho các startup về vấn đề pháp lý, thưa ông?

Luật sư Lê Văn Hồi: Ở giai đoạn khởi sự, DN nên có ý tưởng rõ ràng, kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhất là hiểu biết cơ bản về Luật DN. Cùng với đó, cần xác định loại hình kinh doanh của tổ chức, tùy thuộc vào lĩnh vực cụ thể mà đưa ra lựa chọn phù hợp. Khi mới thành lập công ty nên lựa chọn loại hình DN với nhiều sáng lập viên như công ty TNHH hai thành viên trở lên hay công ty cổ phần, bởi một DN muốn hoạt động lâu dài cần có sự đóng góp và trách nhiệm của nhiều người. Đồng thời, các startup cần có thỏa thuận đồng sáng lập, nêu rõ vốn góp, lợi ích và trách nhiệm tương ứng của mỗi sáng lập viên. Ở giai đoạn gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và đối diện với các thỏa thuận đầu tư hấp dẫn, nguy cơ tranh chấp quyền điều hành và quyền sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt khi vốn rót của nhà đầu tư mỗi lúc một tăng lên là điều mà mọi startup cần phải lưu ý.

Cuối cùng, với các vòng gọi vốn sau đó, khi doanh nghiệp đã tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường, startup cần quan tâm đến các vấn đề, như: Sự phân bổ lợi ích giữa các nhà đầu tư, vốn tư nhân, cổ phần ưu đãi... Tất cả những điều này đều liên quan đến pháp lý, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, DN cần ý thức tầm quan trọng của vấn đề pháp lý, bởi chi phí khắc phục hậu quả pháp lý trong tương lai lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để phòng ngừa rủi ro ngay từ ban đầu. Hiện có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề pháp lý doanh nghiệp, điển hình là nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ từ các luật sư.

PV: Thưa ông, doanh nghiệp cần làm gì đối với các đơn vị liên quan và khách hàng trong trường hợp không thể tiếp tục hoạt động?

Luật sư Lê Văn Hồi: Khi DN giải thể hoặc phá sản, đặc biệt trong trường hợp mất khả năng thanh toán, DN vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan cũng như khách hàng. Theo nguyên tắc chung, khi giải thể, DN cần phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước, các chủ nợ, thể hiện thông qua văn bản hợp đồng ký kết cụ thể, trong đó ghi nhận rõ những điều khoản về thanh toán giữa các bên liên quan. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; nợ thuế; các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong 5 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 202, Luật DN, sau khi DN thông qua quyết định giải thể, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong DN, công bố quyết định giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính của DN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-can-bao-dam-phap-ly-tu-khi-khoi-nghiep-641139