Doanh nghiệp cần bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0
Ngày 25/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo 'Doanh nghiệp, doanh nhân với cách mạng công nghiệp 4.0' nhằm đưa ra các giải pháp để các doanh nghiệp, doanh nhân thích ứng, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 hay công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thông mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây.
Cuộc CMCN lần thứ 4 không chỉ về máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.
Công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực và thông qua IoS thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Trong bối cảnh đó, theo ông Phạm Văn Tân, cần phải thấy được doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu? Điều gì đang diễn ra và các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội? Đây cũng chính là những vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
Nêu ý kiến tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC Trần Duy Khanh nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người, có tác động rất mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản đời sống của con người. Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Vì vậy, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, làm sao để chúng ta không lỡ nhịp, kịp thời nắm bắt được thời cơ? Đây thực sự là câu hỏi lớn. Trả lời về câu hỏi trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, CMCN 4.0 không phải là việc riêng của Chính phủ mà của mọi cấp ngành, mọi thành phần kinh tế, mọi người dân. Tận dụng thành quả để phát triển đất nước là trách nhiệm chung, từ đó có nhận thức và tư duy phát triển phù hợp.
Theo các chuyên gia, Cách mạng 4.0 tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính và phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á trong đó có Việt Nam.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận hữu ích về CMCN 4.0 nhằm cung cấp thêm các thông tin cũng như kinh nghiệm cho doanh nghiệp, từ đó đưa ra các chiến lược, kế hoạch đầu tư, sản xuất cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế.
Nhân dịp đầu xuân năm mới 2020 và đón Xuân Canh Tý, Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC phối hợp với Ban liên lạc Vùng Cảnh sát biển tổ chức chương trình "Tết hải đảo đón xuân chiến sỹ" trao tặng 150 suất quà cho các gia đình chính sách, các hộ dân nghèo, ngư dân nghèo tại xã đảo Ninh Vân (Khánh Hòa), trị giá mỗi phần quà từ 1.000.000 đồng.