Doanh nghiệp cần chủ động trước biến động tỷ giá
Căng thẳng Biển Đỏ chưa hạ nhiệt thì biến động tỷ giá lại diễn ra khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao, giá USD tại các Ngân hàng thương mại lên đến gần 25.000 VND/USD. Các chuyên gia đánh giá, nếu tỷ giá đồng ngoại tệ không giảm trở lại trong nửa cuối năm 2024 hoặc mức mất giá vượt biên độ 5%, khả năng sẽ làm tăng giá hàng hóa, tạo sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam hiện đang xuất khẩu dược liệu. Với tỷ giá đô la Mỹ tăng cao như hiện nay, trước mắt, họ sẽ được hưởng lợi. Dẫu vậy, điều này sẽ không kéo dài, sự biến động của tỷ giá và các ngoại tệ khác tăng cũng lại tác động đến các khoản vay của doanh nghiệp.
Ông Bùi Tiến Vinh - Chủ tịch Công Ty CP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam cho biết: "Về ngắn hạn, có thể chúng tôi, các đơn vị xuất khẩu đang được hưởng lợi, nhưng về lâu dài, có lẽ cuộc chơi sẽ trở về thế cân bằng, vì chi phí đầu vào của các đồng tiền thanh toán khác cũng tăng lên và các đơn vị xuất khẩu cũng buộc phải điều chỉnh giá bán bởi thị trường mở là thị trường cạnh tranh."
Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD tăng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu, phí vận tải tăng. Mức tỷ giá xung quanh 25.000 đồng/USD đang kéo theo chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thêm 5-7%, gây sức ép điều chỉnh giá. Chưa kể, ảnh hưởng của điều chỉnh giá ở nội địa sẽ gây sức ép lên cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho hay: "Đối với các tác động tỷ giá, doanh nghiệp cũng phải rất cẩn trọng khi ký hợp đồng giao hàng, vì sẽ ảnh hưởng đến việc sẽ có sự điều chỉnh giá nội địa và điều đó sẽ gây sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu. Để có lượng tiền và đảm bảo được giá trị chuyển đổi khi thu được ngoại tệ về cùng với mức giá hiện nay thì đó cũng bài toán tổng thể của doanh nghiệp, phải cân đối nhiều yếu tố."
Các chuyên gia cho rằng, để tránh những tác động liên quan đến tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, việc điều chỉnh tỷ giá là một xu thế chúng ta buộc phải chấp nhận. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần phải có kế hoạch để chủ động trước những điều chỉnh về tỷ giá và sử dụng các công cụ phái sinh để có thể bảo hiểm, đảm bảo được việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu của chúng ta."
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phục thuộc vào thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.