Doanh nghiệp cần có 'món mới' cho du khách
Để thúc đẩy hoạt động du lịch sau tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, thành, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình kích cầu để thu hút du khách. Xung quanh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cho biết:
Du khách đến cù lao Thới Sơn.
Đến thời điểm này, hoạt động du lịch nội địa ở tỉnh đã trở lại bình thường. Song dư âm của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nên người dân có tâm lý ngại, dẫn đến lượng khách đi du lịch hạn chế. Hiện lượng khách du lịch đến Tiền Giang chỉ bằng khoảng 20% so với trước khi có dịch xảy ra.
* Phóng viên: Để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ những gì?
* Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh: Để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, UBND tỉnh đã linh hoạt, có biện pháp để kích cầu thu hút khách du lịch. Cụ thể, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các cấp liên quan có báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch trong tầm của UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang đề nghị các ngân hàng thương mại cho một số doanh nghiệp giãn nợ; giãn thuế.
Đồng thời, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho giảm một phần tiền thuê mặt bằng cho các công ty lữ hành, du lịch. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để lắng nghe ý kiến, khó khăn nhằm có giải pháp tháo gỡ.
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi dịch bệnh chấm dứt, cần một khoảng thời gian nhất định hoạt động du lịch mới phát triển trở lại. Đặc biệt, “Du lịch an toàn” là yếu tố hàng đầu để quyết định chuyến đi du lịch. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch là cấp thiết, là cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến của ngành. Ngay sau khi hết dịch Covid-19, khách du lịch nội địa sẽ là thị trường mục tiêu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, điểm đến an toàn. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc thù đến các thị trường trọng điểm trong nước; tổ chức đoàn quảng bá - xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản, trong đó có Hội nghị Xúc tiến du lịch tại thủ đô Tokyo.
* Phóng viên: Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, để kích cầu du lịch, nội lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn là chính. Vậy theo đồng chí, doanh nghiệp du lịch cần làm gì để thu hút khách?
* Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh: Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã trang trí, chỉnh trang lại cơ sở vật chất để chuẩn bị đón khách trở lại. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu thêm thị trường trong nước, các tour, tuyến để thu hút du khách.
Đến thời điểm này, một số khách sạn, nhà hàng lớn trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã thực hiện việc giảm giá từ 10% - 40%. Đối với các công ty lữ hành dù không thực hiện việc giảm giá, nhưng đã tăng chất lượng sản phẩm du lịch để thu hút khách. Việc không giảm giá là do giá trần du lịch miệt vườn ở tỉnh đã ở mức rất thấp. Đối với những doanh nghiệp lớn như Saigontourist đã giảm giá các tour từ 10% - 40%.
Khách quốc tế đi tour du lịch sông nước Cái Bè. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
Ngoài việc hỗ trợ từ phía Nhà nước, để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, bản thân các doanh nghiệp lữ hành cần chung tay quảng bá, giới thiệu để du khách biết đến các sản phẩm. Doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm du lịch mới, nhất là các tuyến, điểm du lịch, phải có sản phẩm mới, hấp dẫn để du khách tìm đến. Mặt khác, các doanh nghiệp cần củng cố, nâng chất lượng phục vụ.
Phải nói rằng, chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh nhìn chung tốt, nhưng vẫn còn một vài doanh nghiệp còn lỏng lẻo trong phục vụ, nên chất lượng sản phẩm chưa hoàn hảo.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí .
Theo Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong trường hợp dịch bệnh được khống chế hoàn toàn và Việt Nam công bố hết dịch từ quý III-2020 trở đi, dự kiến ngành Du lịch sẽ phục hồi vào quý I-2021. Để khôi phục lại hoạt động du lịch, thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng lại kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2020 và thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung vào thị trường nội địa để quảng bá các thị trường quốc tế; củng cố các thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tăng cường hợp tác liên kết với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để các doanh nghiệp lữ hành Tiền Giang có điều kiện tiếp cận, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh để đưa khách đến tham quan du lịch Tiền Giang. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh trong Cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười thực hiện các chương trình đã ký kết. Ngoài ra, Trung tâm sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện quà tặng lưu niệm cho du lịch tỉnh Tiền Giang.
M. THÀNH (thực hiện)