Doanh nghiệp cần coi trọng trách nhiệm xã hội
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Bửu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu số 9, H.Xuân Lộc, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Sự thành công trong hoạt động kinh doanh đã giúp ông và doanh nghiệp có điều kiện thực hiện trách nhiệm xã hội.
Từ một người đeo đuổi giấc mơ chế tác kim hoàn, ông Bửu chuyển hướng sang kinh doanh xăng dầu và trở thành doanh nghiệp tư nhân trong ngành lớn nhất H.Xuân Lộc với hệ thống 5 cửa hàng xăng dầu; nhà phân phối nhớt quy mô tại Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài ra, ông còn mở rộng kinh doanh khí hóa lỏng, dịch vụ khách sạn…
* Dành thời gian học về quản lý, kinh doanh
Ông Bửu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và đông con ở xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc). Tốt nghiệp phổ thông, ông quyết định theo học nghề chế tác kim hoàn vì nghĩ nghề này sẽ giúp gia đình ông bớt khó khăn hơn. Học được hơn 1 năm, ông bỏ nghề vì hiểu ra, thợ kim hoàn không thể khá giả khi cuộc sống của người dân còn khó khăn, hoạt động mua bán và trao đổi trang sức không nhiều. Ông về phụ với mẹ bán tiệm tạp hóa nhỏ. Từ những lần chở dầu ở TP.Long Khánh về bán cho bà con chạy máy bơm nước tưới, ông quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân xăng dầu khi mới 23 tuổi, chưa qua trường lớp nào về kinh doanh.
Số tiền 40 triệu đồng vay của Ngân hàng NN-PTNT huyện không đủ để mở trạm, nhập xăng, ông Bửu bàn với mẹ cầm cố đất đai, thêm sự hỗ trợ của người thân trong gia đình, trạm xăng dầu tư nhân đầu tiên trên địa bàn huyện được đưa vào hoạt động năm 1992. Nhưng doanh nghiệp nào khi thành lập cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn, công ty của ông Bửu cũng vậy. “Lúc mới kinh doanh, tôi thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý nhân sự của công ty nên nhiều lúc tôi bị căng thẳng, hoạt động kinh doanh trì trệ, không phát triển” - ông Bửu cho hay.
Ông Bửu dành thời gian học các khóa học ngắn hạn về quản lý, chiến lược phát triển doanh nghiệp, tìm hiểu xem công ty mình đang ở đâu, gặp vấn đề gì và quyết tâm thay đổi bằng được. Tính đến thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu số 9 do ông Bửu làm Giám đốc đã phát triển được 5 cửa hàng xăng dầu, 1 trạm sang chiết gas, là đơn vị phân phối dầu nhớt cho một tập đoàn nước ngoài trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh và tỉnh Bình Dương, kinh doanh dịch vụ khách sạn… với tổng doanh thu 300-350 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, doanh nhân Nguyễn Thành Bửu cho rằng, khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động, lưu lượng xe trên quốc lộ 1 đoạn qua H.Xuân Lộc sẽ giảm đáng kể. Do đó, doanh nghiệp tính toán sẽ mở thêm trạm xăng dầu ở đầu hoặc cuối mỗi chặng; kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho phép mở các trạm xăng dầu, trạm sửa chữa và bảo trì trên đường cao tốc; mở rộng thị phần phân phối dầu nhớt.
* Tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội
Ông Bửu cho rằng, sự thành công trong kinh doanh đã giúp ông và doanh nghiệp có điều kiện thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông Bửu dẫn chứng, khi mới thành lập (năm 1991), H.Xuân Lộc còn là vùng đất hoang sơ, chưa có điện sinh hoạt, chưa có đường giao thông. Nhu cầu mua xăng dầu để cải tạo ruộng vườn, chạy máy phát bơm nước tưới và sinh hoạt của người dân nhiều, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lấy lý do phí vận chuyển để đội giá bán nhưng ông không làm điều đó. Hay như những lần hạ giá xăng gần đây, người dân đổ xô mua tích trữ nhiều dẫn đến hết hàng tạm thời nên họ cho rằng doanh nghiệp ghim hàng, bản thân ông và các nhân viên phải đứng ra giải thích rất nhiều.
“Quan điểm của tôi là doanh nghiệp phải bảo đảm chữ “tín” với khách hàng, đối tác; từ bỏ tham vọng làm “giàu nhanh” một cách bất chính. “Ghim” hàng chờ xăng tăng, trữ hàng khi xăng giảm hay bán hàng không đủ số lượng, không đúng chất lượng là không tôn trọng lợi ích chính đáng của khách hàng và đối tác. Doanh nghiệp phải xác định “phụng sự” xã hội, tôn trọng đạo đức kinh doanh” - ông Bửu nói.
Cũng vì thế mà nhiều năm qua, ông và doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm. Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ H.Xuân Lộc, ông đã và đang giúp đỡ nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên con đường khởi nghiệp; xây dựng mối quan hệ đoàn kết các doanh nghiệp và kêu gọi doanh nhân có ý thức xây dựng quê hương; kết nối để lãnh đạo huyện có các cuộc gặp gỡ nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, chính sách cho doanh nghiệp, doanh nhân.
“Là người sinh ra và lớn lên ở H.Xuân Lộc, chứng kiến sự đổi thay của quê hương từ sau chiến tranh, khi thành lập huyện đến hiện tại tôi cảm thấy rất vui, vui hơn khi bản thân đóng góp một phần nhỏ bé cho hoạt động kinh doanh, việc làm cho người lao động, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và “tiếp lửa” cho nhân viên, những người đi sau bằng kinh nghiệm tôi tích lũy được” - ông Bửu nói.
Kinh nghiệm của ông Bửu là mỗi ngày đều phải đọc, phải học. Đối với người kinh doanh thì tùy theo thời gian, phải thường xuyên cập nhật thông tin kinh tế, thị trường, xây dựng được mục tiêu và nền tảng văn hóa cho doanh nghiệp.