Doanh nghiệp cần được hỗ trợ 24/24 giờ

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất ngành hải quan xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ 24/24 giờ để đáp ứng nhiều nhất nhu cầu của doanh nghiệp.

95% giao dịch hải quan áp dụng điện tử

Chia sẻ tại tọa đàm "Chuyển đổi số ngành tài chính - Áp lực dẫn đầu và dư địa nào cho thời gian tới", do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều 21.10, ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, ngành tài chính chuyển đổi số từ rất sớm, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm là thuế, hải quan và kho bạc. Hiện, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ cũng đã hình thành hệ thống thông tin lớn, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính với 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ hình thành Bộ Tài chính số; giai đoạn đến 2030 hình thành Bộ Tài chính thông minh.

Ngành hải quan phấn đấu đến năm 2025 trên 95% hồ sơ được số hóa. Nguồn: ITN

Ngành hải quan phấn đấu đến năm 2025 trên 95% hồ sơ được số hóa. Nguồn: ITN

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao việc hiện đại hóa từ những năm 2000, qua đó đóng góp lớn cho nền kinh tế. Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống thống kê hải quan cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch tăng 10 - 15%/năm; số lượng giao dịch xuất nhập khẩu tăng trên 10%/năm, phục vụ tới 15 triệu giao dịch, đóng góp cho ngân sách tăng trung bình trên 10%/năm… Hiện, khoảng 95% giao dịch hải quan được áp dụng điện tử.

Đáng chú ý, theo ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn trong làm thủ tục hải quan, thuế đã giảm nhiều. “Trước năm 2014, nhiều doanh nghiệp phản ánh đã nộp thuế mà chưa được thông quan thì nay gần như không còn tình trạng này. Đây là ví dụ điển hình cho việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tiếp cận thủ tục ngành tài chính và hải quan thuận lợi hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Giảm tối đa đầu tư của doanh nghiệp

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, chuyển đổi số vẫn đang ở giai đoạn đầu. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, ngành hải quan phấn đấu trên 95% hồ sơ được số hóa; trên cơ sở đó, thực hiện quy trình thủ tục hải quan số; phấn đấu khoảng 80% công tác hải quan được kiểm tra, giám sát trên môi trường số và nâng lên 100% vào năm 2030.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Tổng cục Hải quan đang trình Bộ Tài chính các bước triển khai. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường trao đổi dữ liệu với các ngành, nhất là với cơ sở dữ liệu về dân cư, qua đó giúp hải quan khai thác thông tin người khai hải quan, định hình được doanh nghiệp cùng các mối quan hệ với đối tác, trên cơ sở đó ngành hải quan sẽ quyết định giảm tỷ lệ phân luồng đối với luồng vàng.

Hiện, Tổng cục Hải quan cũng đã hoàn thành bước đầu tiên là thiết kế lại quy trình nghiệp vụ để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tài liệu này đang được dự thảo với hơn 2.000 trang, sẽ trình Bộ Tài chính để xem xét đầu tư hệ thống công nghệ thông tin nhằm xử lý bài toán nghiệp vụ. Cùng với đó, ngành hải quan cũng từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa phục vụ cho cả các ngành khác. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành sẽ tra cứu và hướng dẫn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI có kế hoạch đầu tư trong tương lai.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành hải quan không thể chỉ trông chờ nỗ lực tự thân mà còn cần sự đồng hành của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chia sẻ điều này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần có văn bản quy định rõ vấn đề này, trong đó giao cụ thể đơn vị đầu mối, “ít nhất có một văn bản cấp nghị định”.

Cũng theo ông Nam, phải chú trọng công nghệ số, cơ sở hạ tầng thông tin kết nối đồng bộ giữa các đơn vị trong ngành hải quan với các doanh nghiệp, bộ, ngành khác. “Đó chính là sự bảo đảm chắc chắn về hậu cần - yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số”, ông Nam nhấn mạnh.

Song song đó, cần tăng cường đối thoại, tuyên truyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành tài chính nói chung và hải quan nói riêng. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm phục vụ 24/24 giờ để đáp ứng nhiều nhất nhu cầu của doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp có khúc mắc gọi lên nhưng “thuê bao không liên lạc được” hoặc không ai trả lời.

Chia sẻ mối quan tâm này của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cho biết, hiện ngành hải quan đang phục vụ khoảng 80.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với ngành thuế song áp lực về việc đáp ứng các đòi hỏi của doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Ông Thành cho biết, Tổng cục Hải quan có bộ phận chuyên nghe đường dây và có cổng thông tin điện tử để tương tác với doanh nghiệp, song vẫn không thể phục vụ thỏa đáng yêu cầu. Tới đây, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, ngành sẽ tập trung bổ sung lực lượng con người nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ở mức độ cao hơn.

Mặt khác, khi ngành thay đổi hệ thống công nghệ thông tin sẽ bảo đảm giảm tối đa đầu tư của doanh nghiệp.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/doanh-nghiep-can-duoc-ho-tro-2424-gio-i304461/