DOANH NGHIỆP CẦN ĐƯỢC ƯU ĐÃI HƠN NỮA ĐỂ ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ tài chính, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển năng lượng tái tạo từ chính sách về thuế, giá điện; khuyến khích sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phát triển chuỗi cung ứng trong nước...
Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi luật pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề chuyển dịch năng lượng, trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu, mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay.
Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước nhưng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật.
Để phát triển năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ tài chính, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư từ chính sách về thuế, giá điện; khuyến khích sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành Năng lượng tái tạo để phát triển chuỗi cung ứng trong nước.
TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, giá bán ưu đãi (FIT – Feed in Tariffs) là cơ chế chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tăng khả năng cạnh tranh của các nguồn này so với các nguồn năng lượng truyền thống. Nói chung, FIT là giá đảm bảo được trả cho điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và bán lên lưới mà EVN bắt buộc phải mua. Mức FIT là khác nhau đối với các loại công nghệ năng lượng tái tạo khác nhau như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng địa nhiệt vì cả chi phí sản xuất và mức hỗ trợ cần thiết để trở nên cạnh tranh giữa các công nghệ đều khác nhau.
Theo TS.Nguyễn Hoàng Lan, tại Việt Nam, giá FIT tồn tại đối với điện từ năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Đối với các dự án năng lượng mặt trời, FIT được ấn định ở mức 7,69 US$ cent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi, 7,09 US$ cent/kWh hoặc dự án điện mặt trời gắn trên mặt đất và 8,38 US$ cent/kWh đối với dự án điện mặt trời mái nhà (2020).
Đối với dự án năng lượng gió, FIT là 8,5 US$ cent/kWh đối với các dự án ngoài khơi và 9,8 US$ cent/kWh đối với các dự án trên đất liền. Đối với nhà máy nhiệt điện kết hợp (CPH) sử dụng sinh khối, FIT là 7,03 cent US$/kWh và đối với các dự án phát điện không thuộc CHP, FIT được ấn định ở mức 8,47 cent US$/kWh.
FIT cao cho năng lượng mặt trời đã mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời trong thời gian ngắn. Trái ngược với điều trên, giá FIT tương đối thấp cho năng lượng gió ở Việt Nam là lý do khiến các khoản đầu tư vào công nghệ này bị hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đang đề xuất FIT điện gió mới là 10 US$ cent/kWh đối với điện gió trên bờ và 11 US$ cent/kWh đối với điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, sau hạn 31/12/2020, không có cơ chế giá FIT mới được ban hành nên việc đầu tư cho các dự án điện gió, điện mặt trời có tính bất định cao đối với chủ đầu tư. Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đầu thầu đối với xác định giá điện mua từ các dự án điện gió và điện mặt trời.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Lan, trong xu thế thay dần các dạng năng lượng hóa thạch sang dạng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cần tính toán mức giá điện để phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng thuận với quan điểm trên, bà Vũ Thu Trang - Tổng Giám đốc Nhà máy GE Hải Phòng nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sác ưu tiên, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho phát triển năng lượng theo hướng bền vững. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng các chính sách pháp luật để phát triển năng lượng, chuyển dịch năng lượng, điện gió ngoài khơi, thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng.
Theo đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển năng lượng cần tập trung vào việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành Năng lượng tái tạo để phát triển chuỗi cung ứng trong nước; các chính sách ưu đãi khác được xem xét cẩn trọng, đặc biệt là khi chính sách Thuế Tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2024./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78082