Doanh nghiệp cần hiểu quy trình kiện để ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu về quy trình kiện, lưu trữ hồ sơ, chứng từ sổ sách để chủ động ứng phó với các rào cản phòng vệ thương mại là khuyến nghị vừa được Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI đưa ra tại Bản tin 'Doanh nghiệp và Tự do hóa thương mại' quý II/2018.

Hàng Việt - đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ tại 17 thị trường

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước những hàng rào phòng vệ ngày càng gia tăng ở nước ngoài. Đó là hàng rào thuế quan, phần nhiều là hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm; thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; biện pháp tự vệ, thậm chí là điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (một biện pháp phòng vệ thương mại khá đặc thù) hay gần đây nhất là nguy cơ phải đối mặt trực diện với rào cản vì lý do an ninh quốc phòng, sở hữu trí tuệ…

Đáng chú ý, nếu như các hàng rào thuế quan đang giảm dần, thậm chí được xóa bỏ với các hiệp định thương mại tự do, các hàng rào kỹ thuật là tương đối ổn định và có thể dự đoán trước thì các biện pháp phòng vệ thực sự là thách thức lớn, bởi sự xuất hiện của chúng thường rất bất ngờ, hệ quả có thể là rất lớn, lâu dài và vô cùng biến động.

Tính tới hiện tại, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại ở 17 thị trường, trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp chủ yếu liên quan đến sản phẩm kim loại, dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác.

Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng cũng là nơi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 20% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài.

Cho tới nay, Việt Nam đã là đối tượng của 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chủ yếu từ EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó, 16 vụ bắt nguồn từ vụ kiện gốc tại Trung Quốc. Nói cách khác, 16 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá nói trên có nghi ngờ rằng hàng hóa Trung Quốc sau khi bị áp thuế chống bán phá giá đã tìm cách chuyển hàng xuất khẩu tới Việt Nam, gia công đơn giản nhằm lấy xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường nhập khẩu.

Doanh nghiệp cần hiểu về quy trình kiện

Thép là mặt hàng đối diện khá nhiều với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Nguồn: Internet

Bản tin “Doanh nghiệp và Tự do hóa thương mại” nhấn mạnh: “Bản thân các vụ kiện chống bán phá giá đều có thời gian rất ngắn, trong khi các yêu cầu về quy trình kỹ thuật lại tương đối phức tạp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị sớm để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, lưu trữ hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch đàng hoàng, rõ ràng và phù hợp để đến khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn”.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái của các nhà sản xuất nội địa ở thị trường xuất khẩu, những “nguyên đơn tiềm năng” của phần lớn các vụ việc. Trong một số trường hợp hãn hữu thì vẫn có thể tránh được những vụ kiện nếu có thể trao đổi trước được với các nhà sản xuất tại nước sở tại.

Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng việc tìm hiểu các công cụ phòng vệ thương mại rất có ý nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thị trường nội địa của mình.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt cần chứng minh được sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ từ Trung Quốc; hoặc, sản phẩm đã trải qua quá trình “chuyển đổi đáng kể” phù hợp với luật pháp Mỹ và quốc tế để phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam chứ không bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp thép Trung Quốc để lẩn tránh thuế.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/doanh-nghiep-can-hieu-quy-trinh-kien-de-ung-pho-voi-rao-can-phong-ve-thuong-mai-3215.html