Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi soạn thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung?

Nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết, bao gồm Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đã chính thức có hiệu lực. Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trên nguyên tắc kế thừa những giá trị tích cực của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, với việc sửa đổi lần này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản quy định chi tiết có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Đối với cơ chế kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, sau hơn 12 năm thực thi theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cơ chế này đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, việc rà soát, phát hiện và yêu cầu sửa đổi; hủy bỏ số lượng lớn những nội dung vi phạm, không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo để giao kết với người tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng, từng bước đảm bảo tính ổn định, bình đẳng, lành mạnh trong giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Với việc sửa đổi lần này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có những quy định mới cụ thể, rõ ràng hơn nhằm hoàn thiện chế định kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đặc biệt đã đặt ra những yêu cầu khá chặt chẽ về hình thức, nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” - đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.

Nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Pixabay

Nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Pixabay

Nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong các hợp đồng, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã hướng dẫn những điểm chủ yếu mà doanh nghiệp cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng giao kết với người tiêu dùng.

Theo đó, cầu đối với hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về ngôn ngữ: Ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt hoặc có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hợp đồng giao kết với người tiêu dùng nói chung, nếu như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 trao cho các bên quyền được thỏa thuận ngôn ngữ - tức là ngôn ngữ bằng tiếng Việt hoặc tiếng khác nếu các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đặt ra yêu cầu bắt buộc là ngôn ngữ phải bằng tiếng Việt để đảm bảo việc tiếp cận các điều khoản của hợp đồng cho mọi đối tượng người tiêu dùng cũng như cho quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh tại các cơ quan tài phán…

Tuy nhiên, ngoài ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Việt, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng trao cho các bên quyền được thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. “Đây là điểm khác biệt quy định về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 mà doanh nghiệp và người tiêu dùng cần lưu ý tuân thủ trong quá trình soạn thảo, giao kết hợp đồng” - đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.

Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt là một trong những dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh: EVN

Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt là một trong những dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh: EVN

Về hình thức, trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Times New Roman hoặc kích cỡ tương đương. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ đặt ra với văn bản giấy và không bắt buộc đối với trường hợp giao dịch bằng văn bản điện tử. Ngoài ra, màu chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau; Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi.

Về nội dung, yêu cầu chung đối với nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đáng chú ý, hợp đồng theo mẫu phải có các nội dung cơ bản: Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có); thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp theo hợp đồng; đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu pháp luật có quy định phải công khai cấu thành giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên bảo đảm tuân thủ quy định của phát luật; Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng; trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật; phương thức giải quyết tranh chấp; thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có các nội dung: Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có); mô tả dịch vụ được cung cấp; thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ; thông tin chính xác, đầy đủ về các khoản phí, chi phí, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung được áp dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng; thông báo cho người tiêu dùng về việc nộp phí để tiếp tục sử dụng dịch vụ theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hết hạn sử dụng dịch vụ; thông báo cho người tiêu dùng về thời điểm kết thúc hợp đồng theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.

Đối với nội dung của hợp đồng trong giao dịch từ xa, với đặc thù của giao dịch từ xa là người tiêu dùng không được, hoặc không có cơ hội được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định khá chặt chẽ, cụ thể về những nội dung phải có của hợp đồng trong giao dịch từ xa. Do đó, trong quá trình soạn thảo, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 để đảm bảo tính đầy đủ về nội dung của hợp đồng theo mẫu tương ứng với từng loại hợp đồng sử dụng trong giao kết với người tiêu dùng.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho hay, ngoài các yêu cầu về nội dung phải có theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cụ thể, các nội dung phải có trong hợp đồng theo quy định của pháp luật chuyên ngành thông thường bao gồm: Thông tin các bên; đối tượng của hợp đồng; chất lượng, giá cả của hàng hóa/dịch vụ; phương thức thanh toán/giao nhận; thời hạn của hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên; chấm dứt hợp đồng; vi phạm hợp đồng; giải quyết tranh chấp; nội dung khác do các bên thỏa thuận;… Ngoài ra, hợp đồng có thể phải tuân thủ theo mẫu hợp đồng do Nhà nước ban hành, tùy thuộc đặc thù và theo quy định của từng lĩnh vực chuyên ngành cụ thể.

“Như vậy, trong quá trình soạn thảo và trước khi giao kết hợp đồng, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chủ động nghiên cứu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản quy định chi tiết; quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, chẳng hạn như pháp luật chuyên ngành tùy từng lĩnh vực, đảm bảo hợp đồng giao kết phải có đầy đủ/phải tuân thủ các nội dung, mẫu bắt buộc theo quy định. Đây cũng là chính nền tảng quan trọng, là căn cứ đảm bảo quá trình thực thi hợp đồng giữa các bên, đồng thời là cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.

Theo Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, có 8 loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là: Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập internet); dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập internet); vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt; mua bán căn hộ chung cư.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-can-luu-y-gi-khi-soan-thao-hop-dong-theo-mau-dieu-kien-giao-dich-chung-333674.html