Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ những biến động kinh tế
Những biến động kinh tế thế giới đã tạo ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường...
Tại hội thảo “Biến động kinh tế và vận hội đối với doanh nghiệp sản xuất từ góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam” mới đây, ông Toda Chosaku, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Việt Nam trong phát triển kinh tế, nguyên cố vấn Thủ tướng Nhật Bản trong phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, đưa ra bức tranh mới về trật tự thế giới được vẽ lại do nhiều biến động đang xảy ra, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.
“VÁN CỜ LẬT NGƯỢC”
Đó là những biến động từ dịch bệnh Covid-19, có khởi đầu nhưng đến nay vẫn chưa có kết thúc, tiếp theo là chiến tranh, xung đột Nga- Ukraine kéo theo những vấn đề liên quan tới năng lượng, thực phẩm, lãi suất cao,… hay những bất thường từ khí hậu. Các vấn đề liên quan đến dân số học, các nước đang phát triển dân số tăng nhanh; ngược lại, một số nước phát triển thì dân số ngày càng thiếu. Đặc biệt, hiện đang xuất hiện lực lượng thứ ba, họ đi theo hướng riêng mà không phải theo hai phe trên thế giới hiện nay (Trung Quốc hay Mỹ).
Trong biến động thế giới hiện nay, ông Toda Chosaku cho rằng không thể bỏ qua yếu tố khoa học và công nghệ, đó là chat GPT (là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển). Hiện nay chat GPT đã làm thay nhiều công việc mà trước đây chỉ có chuyên gia mới làm được, điều này sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta thay đổi rất lớn. Khoa học và công nghệ đang tiến bộ với tốc độ khủng khiếp như robot, máy tính lượng tử, AI,... hay một xã hội mà trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo sẽ trộn lẫn với nhau và sẽ sinh ra phong cách sống mới, cách làm việc mới, một thế giới mới, trật tự mới với những giá trị mới...
Song, ông Toda Chosaku khẳng định, những biến động lớn này mang lại cơ hội lớn cho chính những nước đang phát triển. Một thế giới không biến động thì không có cơ hội. Cụ thể, biểu đồ GDP thế giới cho thấy, phía Nam bán cầu cán cân đã thay đổi, ván cờ đã lật ngược, những nước nghèo được gọi là chậm phát triển trước đây thì đang có tốc độ phát triển lớn, còn các nước tiên tiến đang chậm nhịp lại.
GDP phát triển trung bình của thế giới năm 2023 chỉ 2-3%, nhưng các nước nền kinh tế mới nổi và những nước đang phát triển năm 2023 dự kiến chỉ số phát triển kinh tế là 3-4%. Điều này càng chứng minh đây là thời đại của những nước mới nổi. Bên cạnh đó, các nước Nam Á thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới. Còn với khu vực châu Á, các nước đều phát triển, trong đó đứng đầu có Việt Nam, Ấn Độ đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển với nhịp độ cao. “Vì thế, tương lai của Việt Nam vẫn tươi sáng”, ông Toda nhận định.
Bên cạnh đó, năng suất lao động sau 10 năm (từ 2011-2022) của Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao, tăng tới 73,5%, Chính trị lại rất ổn định. Việt Nam có lợi thế địa chính trị vô cùng tốt: gần Nhật Bản, gần nguồn cung Trung Quốc, nằm trong khu vực thị trường rộng lớn của Đông Nam Á.
Hơn nữa, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình khá, đang có cơ hội gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Mặt khác, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, nguồn lực lao động dồi dào kết hợp với tính cần cù, chịu khó. Đáng chú ý, Việt Nam có rất nhiều cơ hội với những ngành mới gia nhập, điển hình như ngành công nghiệp chủ lực.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, do sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… nên làn sóng đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc là chắc chắn. Trong khi đó, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để đón nhận làn sóng này, như gần nơi cung ứng vật tư nguyên liệu, công nghệ là Trung Quốc. Việt Nam có dân số trẻ, thế hệ 7x- 8x đang có nhiều khát khao làm giàu, nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại,… đây là những cơ hội lớn cho lĩnh vực sản xuất.
Từ góc độ doanh nghiệp Nhật Bản, ông Tadahiro Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng những biến động kinh tế thế giới tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đẩy mạnh đầu tư, phát triển.
Nói cách khác, các lĩnh vực nhóm ngành mà giải quyết được các vấn đề xã hội thì đều có cơ hội kinh doanh. Các doanh nghiệp Joint Venture của Nhật Bản và Việt Nam có tính tương thích cao. Đặc biệt đối với Nhật Bản có kinh nghiệm kinh doanh phong phú cũng như kỹ thuật Monozukuri (sản xuất chế tạo sản phẩm), còn Việt Nam lại có kỹ thuật trong lĩnh vực kỹ thuật số và nguồn nhân lực trẻ tài năng. Đây được coi là tiền đề để hai bên Việt Nam và Nhật Bản bổ sung thế mạnh cho nhau, góp phần nâng cao năng lực và khai thác được cơ hội kinh doanh mới.
CẦN TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC CƠ HỘI
Để nắm bắt được cơ hội tạo ra từ những biến động trên, theo ông Toda Chosaku, Việt Nam cần phải chắt lọc lại ngành công nghiệp chủ lực, bởi hiện nay cụm từ “công nghiệp chủ lực” còn loãng và rộng quá. Chúng ta hay nói đến may mặc, điện tử,... năng suất lao động của người Việt Nam trong các ngành này đã tăng lên, nhưng thực tế, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chưa cao nếu không muốn nói là vẫn còn thấp...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-can-nam-bat-co-hoi-tu-nhung-bien-dong-kinh-te.htm