Doanh nghiệp cần phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động
Lấy lý do làm ăn thua lỗ và thay đổi công nghệ, gần 150 công nhân Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy VMEP (thuộc tập đoàn SYM) tại phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) đã bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động và không cho vào công ty làm việc. Bức xúc trước cách làm trái pháp luật của doanh nghiệp, sáng 12/10 hàng trăm công nhân đã tập trung biểu tình, phản đối trước trụ sở Nhà máy…
Thay đổi đổi công nghệ, lý do có chính đáng?
Có mặt tại Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy VMEP ngày 12/10, trao đổi với phóng viên báo LĐTĐ hàng trăm công nhân lao động đã tỏ ra bức xúc và cho biết, phía doanh nghiệp đang cố tình chèn ép công nhân và buộc họ phải chấm dứt hợp đồng lao động một cách vô lý.
Anh Khanh – Công nhân tại phòng HPC1 cho biết, trước khi xảy ra sự việc ngày hôm nay, phía doanh nghiệp cũng đã có một vài cuộc họp thông báo về việc phải di dời về Khu công nghiệp Phú Nghĩa và cho biết, công nhân nào muốn tiếp tục làm việc tại vị trí mới thì doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận. Với phương án này, hầu hết công nhân đều chấp thuận di chuyển cùng công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện doanh nghiệp vẫn chưa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại vị trí mới.
“Mặc dù chưa tìm được phương án giải quyết công việc cho công nhân, thế nhưng công ty lại bất ngờ ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 149 lao động, thậm chí, đóng cửa nhà máy và không cho người lao động vào làm việc. Trong khi đó, rất nhiều chế độ của chúng tôi vẫn chưa được thực hiện”, anh Khanh cho biết.
Cùng chung bức xúc trên anh Đông, anh Hưng…và rất nhiều lao động khác cũng cho biết, doanh nghiệp lấy lý do di chuyển nhà máy, nhưng thực chất hiện nhà máy ở Phú Nghĩa vẫn chưa xây dựng. Và nguyên nhân khiến công ty quyết định cho công nhân thôi việc là do doanh nghiệp đã bán đất và chuẩn bị xây chung cư?.
Trước thắc mắc của người lao động, trước đó tại buổi họp giữa ban lãnh đạo Nhà máy VMEP với đại diện Công đoàn công ty, cùng sự có mặt đại diện Liên đoàn Lao động quận Hà Đông, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, lãnh đạo phường La Khê ngày 3/10, đại diện doanh nghiệp cho biết, lý do cắt giảm lao động là do tình hình kinh tế khó khăn; doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và thay đổi công nghệ?
Ông Lin Chun Yu – Phó Tổng Giám đốc Nhà máy còn cho biết, không chuyện doanh nghiệp bán đất làm dự án, trong khi đó hiện tại việc triển khai xây dựng nhà máy tại Phú Nghĩa đang gặp khó, do đó doanh nghiệp vẫn chưa thể xây dựng xong. Thậm chí, nếu dự án được phê duyệt tại vị trí nhà máy và nhà máy vẫn gặp khó trong kinh doanh, triển khai nhà xưởng tại vị trí mới thì số lượng công nhân bị cắt giảm sẽ là 100%, chứ không phải 149 người như hiện nay.
Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động
Không chỉ bất ngờ với việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là cách hành xử thiếu trách nhiệm của lãnh đạo nhà máy VMEP, nhiều người lao động, đặc biệt là số lượng lao động lớn tuổi tỏ ra lo lắng và cho biết, nếu như lao động trẻ họ còn có thể tìm được việc làm mới, còn với những người lớn tuổi thì đó là việc rất khó khăn. Trong khi đó, các quyền lợi liên quan đến người lao động hiện doanh nghiệp vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Trước sự bức xúc của người lao động, trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, bà Nguyễn Thị Tạo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hà Đông cho biêt, trước khi sự việc xảy ra sáng 12/10, thì Liên đoàn Lao động quận đã có những buổi làm việc, trao đổi với phía doanh nghiệp. Trong các buổi làm việc đó, Liên đoàn cũng yêu cầu doanh nghiệp làm rõ việc thay đổi công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến người lao động và có phương án sử dụng người lao động, công bố rõ ràng để người lao động tâm phục khẩu phục.
Bên cạnh đó, bà Tạo cũng cho biết, từ trước đến nay doanh nghiệp luôn chấp hành đầy đủ các quy định của luật lao động. Họ chấp hành nghiêm chỉnh việc đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho người lao động. Tuy nhiên, trong sự việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với 140 lao động này, phía doanh nghiệp chưa đưa ra phương án hỗ trợ cho lao động, cũng như các chế độ trợ cấp cần thiết khác theo đúng quy định của pháp luật.
“Sau khi nắm bắt thông tin xảy ra tại Nhà máy VMEP chúng tôi đã có mặt kịp thời và phối hợp cùng đại diện các phòng, ban, chính quyền địa phương và đại công nhân giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, trong sáng nay đại diện doanh nghiệp đã không có mặt tại nhà máy. Theo đúng chức năng nhiệm vụ, chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến doanh nghiệp đề nghị doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động, qua đó có phương án giải quyết việc làm cụ thể và phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Thị Tạo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hà Đông cho biết.