Doanh nghiệp cần phát triển chuỗi giá trị bền vững

Nhằm giúp doanh nghiệp cần có hướng đi mới, nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, Bộ Kế hoạch đầu tư cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Chuỗi giá trị bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững.
Hội nghị là một trong chuỗi các hoạt động hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME). Đây là hành động rất đúng thời điểm và có ý nghĩ thực tiễn không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp và còn cho chính các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Dương Lâm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát thành công dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước dần được khôi phục. Đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng USAID tổ chức Hội nghị nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng sức mạnh, đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Dương Lâm

Mặc dù, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Chia sẻ thêm về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Chúng ta cũng cần thẳng thắng nhìn nhận thực tế rằng, sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 2 nguyên nhân chủ yếu. Một là, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các doanh nghiệp này dẫn dắt là rất khó.
Hai là, do quy mô nhỏ bé nên đa số các DNNVV Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất, hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá.

Hội nghị thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị chức năng đến từ nhiều Tỉnh, Thành phố. Ảnh: Dương Lâm

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, đầu tư nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các DNNVV trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-can-phat-trien-chuoi-gia-tri-ben-vung-post87778.html