Doanh nghiệp cần quý trọng, chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn nhân lực
Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023.
Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023), 20 năm Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4/2003 - 28/4/2023).
Tới dự Lễ phát động có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về (ATVSLĐ) Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Triệu Tài Vinh - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương...
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Thủ tướng ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà tổ chức Công đoàn, công nhân lao động cả nước đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Việt Nam đang sống và làm việc trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động (NLĐ). Hiện nay, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Việc tuân thủ quy định về ATVSLĐ tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim…
Năm 2022, Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ so với năm 2021), làm 7.923 người bị tai nạn (tăng 1.265 vụ), 754 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trên 14,1 nghìn tỷ đồng và hơn 143 nghìn ngày công.
Nguyên nhân là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang cố gắng khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại địa phương bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động đối với khu vực lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro mất an toàn vệ sinh lao động khu vực, không có quan hệ lao động.
Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình. Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát cải thiện được đặc biệt để tăng tỷ lệ số người giám định bệnh nghề nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần cùng nhau hành động với tinh thần thiết thực, hiệu quả; tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho NLĐ. Luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân… Tạo điều kiện để NLĐ tiếp cận bình đẳng, nhanh chóng, thuận tiện với các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ và người sử dụng lao động. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình NLĐ...
Với tổ chức Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức Công đoàn cần tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đại diện cho NLĐ thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động; thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; phải sống cuộc sống của NLĐ, nói tiếng nói của NLĐ; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, NLĐ. Đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm ATVSLĐ để công nhân có môi trường thuận lợi cho lao động, sản xuất.
Cùng đó, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp lực lượng, tuyên truyền để củng cố sức mạnh của giai cấp công nhân; để các đoàn viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan và chủ động cùng với Công đoàn các cấp tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam định hướng tổ chức các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” từ rất sớm (tháng 11/2022).
Đến nay, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị đã tổ chức Lễ phát động tại cơ sở với những nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị với một số trọng tâm hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - thể thao; biểu dương cán bộ Công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm Công đoàn…
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị công nhân, công chức, viên chức, NLĐ trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát huy trí tuệ, sự cống hiến, bằng những hoạt động cụ thể, ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023; gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng hành và đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ quan, doanh nghiệp phát triển bền vững; đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, quý trọng và chia sẻ thành quả với NLĐ để nuôi dưỡng nguồn nhân lực, đó là nguồn vốn quý của mỗi doanh nghiệp - lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế về chính sách, pháp luật lao động để đảm bảo tối đa các quyền, lợi ích về việc làm, tiền lương, ATVSLĐ và phúc lợi cho công nhân, người lao động; xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.
Hai là, phối hợp với tổ chức Công đoàn tăng cường đối thoại, kết nối công nhân; thúc đẩy các phong trào sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tạo động lực làm việc và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Ba là, chủ động quan tâm, đầu tư hơn nữa về nguồn lực, cải tiến thiết bị và ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm căng thẳng cho người lao động. Từng nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sẽ tăng cường rà soát, hoàn thiện các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, cải thiện điều kiện làm việc để kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tại Lễ phát động, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương trao 8 suất quà tới công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mỗi suất quà gồm 5 triệu đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 500 ngàn đồng. 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” được tặng Cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 5 tập thể dẫn đầu trong phong trào thi đua về ATVSLĐ trong năm 2022 được tặng Cờ thi đua của Bộ LĐTBXH phát động.
Năm 2023, Tháng Hành động An toàn vệ sinh lao động có chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; tổ chức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động...
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức”, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, các cấp Công đoàn tập trung triển khai 5 nhóm hoạt động trọng tâm, trong đó sẽ tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”; diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”. Tổng Liên đoàn dự kiến tổ chức diễn đàn để lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, góp ý xây dựng pháp luật chính sách và mong muốn, khát vọng cống hiến phát triển đất nước của công nhân lao động.../.