Doanh nghiệp cần thực hiện đúng các thủ tục khi xuất khẩu hàng thủy, hải sản sang Trung Quốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan về việc tuyên truyền, phổ biến việc thay đổi chính sách biên mậu của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản từ Việt Nam.
Theo Sở NN&PTNT, ngày 30.7.2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn số 5388/UBND-XD2 cung cấp thông tin về việc thay đổi chính sách biên mậu của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản. Theo công văn này, hiện nay, việc xuất khẩu thủy, hải sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn; thủ tục hải quan, kiểm dịch được phía TQ kiểm soát rất chặt chẽ.
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta hiện nay chưa có sự chuẩn bị nên hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, quy cách bao gói, nhãn mác. Do đó, có nhiều lô hàng đã bị trả lại, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy, hải sản.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4635/VP-KTTC ngày 5.8.2019 về việc thay đổi chính sách biên mậu của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản, Sở NN&PTNT đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các thông tin về việc thay đổi chính sách biên mậu của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản đến các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh với nội dung sau:
Về danh mục hàng hóa thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, hiện nay, danh mục hàng thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối mở/cặp chợ là 137 loại (trong đó có cá tra đông lạnh, cá basa đông lạnh, cá basa ướp đá, cá basa cắt miếng, cắt khúc, phần nạm cá, da cá và cá chép sống).
Giá của từng mặt hàng (trong danh mục) tính theo đơn vị kilogram, lấy đó làm căn cứ tính giá trị, khối lượng hàng hóa cư dân biên giới được hưởng chính sách miễn thuế (dưới 8.000 nhân dân tệ/ngày) theo quy định của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, tỉnh đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ để chuẩn bị các điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời chủ động bàn bạc với đối tác Trung Quốc để tính toán khối lượng hàng hóa cho phù hợp để được hưởng chính sách miễn thuế qua lối mở.
Đối với thông số ghi trọng lượng trên nhãn mác, đề nghị doanh nghiệp chụp ảnh khi cân hàng trước khi đưa và cấp đông và cân sau khi cấp đông làm bằng chứng để Hải quan Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý thủ tục thông được nhanh chóng.
Về thủ tục cần thiết để hàng thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua cặp chợ biên giới bao gồm: Sản phẩm xuất khẩu phải là của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc (Do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ NN&PTNT Việt Nam cấp). Chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cấp.
Về bao bì, nhãn mác: Bao bì được đóng gói chắc chắn, đồng nhất một loại; nhãn in trên bao bì phải thống nhất tại một vị trí đối với một loại hàng hóa và phải được in trước khi đóng gói hàng hóa; riêng thông số ngày sản xuất và số lô được phép đóng dấu sau khi in cho phù hợp với ngày sản xuất và số lô của lô hàng nhưng phải rõ nét, không được nhòe, mờ; tuyệt đối không được dán nhãn mác dưới mọi hình thức... Đối với hàng tươi sống phải bảo quản, đựng trong khay nhựa, phải in nhãn chìm trên tấm nhựa của khay (nắp hoặc thành khay đều được).
Chi tiết Danh mục hàng hóa thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và quy định về bao bì, nhãn mác, Sở NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tham khảo Công văn số 5388/UBND-XD2 ngày 30.7.2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh.