Doanh nghiệp cần tuân thủ luật, tránh rủi ro khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Nhiều mặt hàng Việt đã và đang là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Để hạn chế rủi ro và xuất khẩu sang Hoa Kỳ một cách bền vững, doanh nghiệp cần phải hiểu và tuân thủ luật - bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã chia sẻ như vậy với phóng viên.

Giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra vào tháng 1/2025, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ảnh minh

Giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra vào tháng 1/2025, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ảnh minh

PV: Hoa Kỳ là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta, tuy nhiên nhiều mặt hàng của Việt Nam đang là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Bà có thể cho biết cụ thể về thực tế này?

Bà Trương Thùy Linh: Hoa Kỳ là nước áp dụng thuế nhập khẩu thuộc dạng thấp trong số các nền kinh tế lớn, nhưng ngược lại là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.

Với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị liên quan trong 71 vụ việc, chiếm hơn 1/4 số vụ việc do nước ngoài điều tra với hàng hóa Việt Nam. Trong số đó có 32 vụ việc chống bán phá giá, 14 vụ việc chống trợ cấp, 3 vụ việc tự vệ và 22 vụ việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Riêng trong năm 2024, Hoa Kỳ đã điều tra 11 vụ việc, trong đó có 5 vụ việc điều tra “kép” (tức là vừa điều tra chống bán phá giá vừa điều tra chống trợ cấp) và 1 vụ việc tự vệ. Sản phẩm bị điều tra cũng khá đa dạng, có một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) và có cả các mặt hàng kim ngạch xuất khẩu khá khiêm tốn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)… Nhiều vụ việc trong thời gian gần đây thuộc các ngành có sự mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng trên thị trường quốc tế hoặc hướng đến việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tích cực đồng hành với doanh nghiệp

Hoa Kỳ xác định thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh với sản phẩm của Việt Nam ở mức 2,84%, thấp hơn so với các nước khác như Ấn Độ (5,77% - 5,87%) và Ecuador (3,57 - 4,41%). Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra vào tháng 1/2025, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Hoa Kỳ cũng là quốc gia liên tục sửa đổi, cập nhật và mở rộng các quy định về điều tra phòng vệ thương mại theo xu hướng khắt khe hơn, rút ngắn thời hạn điều tra để có thể áp thuế phòng vệ thương mại nhanh hơn. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần chủ động chuẩn bị để tránh bị động trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

PV: Như vậy, việc đấu tranh với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt tại thị trường Hoa Kỳ có thuận lợi và khó khăn gì, đặc biệt khi Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường?

Bà Trương Thùy Linh: Thời gian qua, với các nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao. Một số ngành, doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là rủi ro khó tránh trong thương mại quốc tế, do đó chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra của nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lớn đã thành lập bộ phận chuyên trách hoặc Ban Pháp chế để xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại còn gặp một số khó khăn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chiếm số đông, hạn chế cả về chuyên môn và năng lực để có thể ứng phó được với các tranh chấp bên ngoài. Trong khi đó, số lượng vụ việc tăng nhanh và các quy định liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ cũng thường xuyên được sửa đổi và rút ngắn thời gian khiến việc cập nhật và tuân thủ ngày càng khó hơn.

Một số doanh nghiệp vẫn còn có tâm lý dựa vào doanh nghiệp khác khi tham gia vụ việc hoặc phó mặc hoàn toàn vụ việc cho luật sư mà không cử cán bộ cùng theo dõi, giám sát công việc trong quá trình của vụ việc. Thực tế đã có không ít trường hợp doanh nghiệp nộp bản trả lời câu hỏi điều tra muộn hoặc gửi sót thông tin nên đã bị áp thuế cao.

Ngoài ra, một khó khăn nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp là việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

PV: Trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng các chính sách thuế phòng vệ thương mại để cân bằng cán cân thương mại, theo bà, doanh nghiệp nên làm gì để hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại?

Bà Trương Thùy Linh: Trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn tuyên bố việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm mục đích đảm bảo thương mại công bằng chứ không phải hướng đến mục tiêu “cân bằng thương mại”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cũng khó tránh khỏi việc các biện pháp phòng vệ có thể gia tăng cả ở Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi thông tin để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần tránh gắn chuỗi cung ứng của mình với các nguồn có rủi ro bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì rủi ro bị áp thuế cao cũng thấp hơn đáng kể.

Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý không tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ để tránh phải đối mặt với các vụ việc điều tra trốn thuế, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; kịp thời phát hiện các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và thông báo cho Cục Phòng vệ thương mại để có các biện pháp phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bà!

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-can-tuan-thu-luat-tranh-rui-ro-khi-xuat-khau-sang-hoa-ky-174131-174131.html