Doanh nghiệp chậm lên sàn: Sẽ truy trách nhiệm người lãnh đạo

Để mạnh tay xử lý các doanh nghiệp chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cùng với việc chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước tăng cường xử phạt, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi doanh nghiệp hậu cổ phần hóa vi phạm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp dính án phạt

Kể từ thời điểm Ủy ban Chứng khoán lần đầu tiên công khai 403 công ty đại chúng, trong đó có 218 doanh nghiệp hình thành từ hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn vào giữa tháng 1/2019, đến nay, cơ quan này đã tiến hành xử phạt một số doanh nghiệp vi phạm.

Ngay trong tháng 2 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt hàng loạt công ty vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Cụ thể, mới đây nhất, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP.HCM (số 215-217 Trần Hưng Đạo, TP.HCM) bị phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Cũng với lỗi tương tự, Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 1 - CTCP chịu phạt 350 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị phạt 100 triệu đồng do không báo cáo Ủy ban Chứng khoán theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất quý IV/2017, quý I/2018; văn bản giải trình của Công ty về ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán; Thông báo số 209/TB/PS ngày 19/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản...

Trước đó, trong tháng 1/2019, với lỗi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn theo quy định, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt Công ty cổ phần 28 Đà Nẵng, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ.

Tới đây, danh sách các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn bị xử phạt sẽ còn nối dài, khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán) cho biết, trên cơ sở hồ sơ các đơn vị vi phạm đã được hoàn tất, Vụ vừa chuyển sang cơ quan Thanh tra Ủy ban Chứng khoán để xem xét xử phạt.

Do đó, tới đây sẽ có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết tiếp tục bị xử phạt và công khai danh tính ra toàn thị trường. Điều này sẽ gia tăng tính răn đe đối với các doanh nghiệp, từ đó tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định.

Truy trách nhiệm người đứng đầu

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán, Bộ Tài chính có giải pháp gì để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn vốn đã kéo dài trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, trên cơ sở tham mưu của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/2019/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn...

“Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán thực hiện xử phạt theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ cũng kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý trách nhiệm của cá nhân người đại diện vốn tại các doanh nghiệp này”, bà Mai cho hay.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán

Theo Chỉ thị số 01/2019/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trước ngày 15/1/2019 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.

Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước.

Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.

Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-cham-len-san-se-truy-trach-nhiem-nguoi-lanh-dao-post207179.html