Doanh nghiệp chân chính cần được bảo vệ bằng pháp luật
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, sẽ chia sẻ thực tiễn một vụ tranh chấp mà ông tham gia, cảnh báo một hình thức hàng giả tinh vi, đó là việc sử dụng quyền đăng ký nhãn hiệu như một công cụ pháp lý để chiếm đoạt thương hiệu đang lưu hành ổn định.
Trong bối cảnh nạn hàng giả, hàng nhái và thông tin sai lệch ngày càng lan rộng và biến tướng tinh vi, sáng 10-7 Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” vào sáng 10-7 tại hội trường tòa soạn, số 34 Hoàng Việt, phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Đây là diễn đàn quy tụ đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia pháp lý, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp, nhằm nhìn nhận lại thực trạng và đề xuất các giải pháp mang tính phòng ngừa, kiểm soát và hoàn thiện pháp luật trong cuộc chiến chống lại các yếu tố “giả” đang đe dọa môi trường kinh doanh chân chính.

Gần 50 năm qua, thương hiệu Nhựa Bình Minh đã ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam (Nhựa Bình Minh thành lập năm 1977).
Tại tọa đàm, một trong những tham luận đáng chú ý sẽ đến từ Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.
Trong bài phát biểu, Luật sư Tú dự kiến sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ một vụ tranh chấp điển hình mà ông trực tiếp tham gia, qua đó cảnh báo về “một hình thức hàng giả tinh vi”, đó là việc một số đối tượng sử dụng quyền đăng ký nhãn hiệu như một công cụ pháp lý để chiếm đoạt thương hiệu đang lưu hành ổn định trên thị trường.
Vấn đề không chỉ nằm ở hành vi đăng ký chặn đầu thương hiệu thật, mà còn ở hệ quả nghiêm trọng khi hệ thống pháp luật chưa đủ cơ chế để phân biệt giữa bên sáng tạo thực sự và bên chỉ xuất hiện hợp thức trên giấy tờ.
Theo đại diện từ phía công ty Nhựa Bình Minh, vụ việc tranh chấp này từng khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ mất quyền sử dụng chính sản phẩm mà họ đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phân phối suốt nhiều năm, chỉ vì một bên khác đăng ký nhãn hiệu trước tại một phân khúc hẹp và ít phổ biến.
Điều đáng nói là trong giai đoạn đầu, cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra kết luận bất lợi cho doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm, vì lý do “nộp đơn trước – được quyền trước”. Đây có thể là kẽ hở pháp lý đang bộc lộ qua thực tiễn cần phải được nghiên cứu điều chỉnh để bảo vệ những doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Từ câu chuyện cụ thể đó, tham luận của Luật sư Trương Anh Tú sẽ đề xuất cần sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền ưu tiên cho các nhãn hiệu đã sử dụng công khai, liên tục và rộng rãi trước thời điểm tranh chấp, đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế giám sát động cơ đăng ký – để kịp thời ngăn chặn các trường hợp đăng ký hàng loạt nhãn hiệu tương đồng mà không có hoạt động sản xuất thực tế.
Việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan tố tụng, cơ quan chuyên môn sở hữu trí tuệ và các tổ chức chuyên môn trong quá trình xét xử cũng được xem là giải pháp cần thiết để bảo đảm tính chính xác và công bằng trong những vụ án mang yếu tố kỹ thuật và ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường.
Ngoài hàng giả về mặt pháp lý, một mối đe dọa khác cũng được nêu bật tại tọa đàm lần này là tình trạng thông tin giả và truyền thông bôi nhọ doanh nghiệp. Có khi chỉ cần một video cắt ghép hoặc bài viết sai lệch phát tán trên mạng xã hội, doanh nghiệp có thể phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Từ việc bị người tiêu dùng quay lưng, hệ thống phân phối rút lui, đến sự hoài nghi từ nhà đầu tư và thị trường tài chính. Thực tế từng ghi nhận những trường hợp doanh thu sụt giảm hàng chục phần trăm chỉ trong vài tuần vì một tin đồn thất thiệt, dù sau đó cơ quan chức năng xác minh hoàn toàn không có vi phạm.

Nhựa Bình Minh luôn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chính vì vậy, tọa đàm do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức lần này không chỉ hướng đến việc nhận diện các hình thái hàng giả truyền thống, mà còn làm rõ các dạng thức “giả mạo pháp lý” và “giả mạo thông tin” đang ngày càng phổ biến trên môi trường số.
Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể lên tiếng đề xuất khung chính sách hiệu quả hơn, yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thiện quy trình hậu kiểm, cơ chế xử lý vi phạm trên mạng xã hội và chính sách hỗ trợ bảo vệ doanh nghiệp trong tranh chấp sở hữu trí tuệ.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm từ nhiều đơn vị sản xuất, phân phối lớn trong các lĩnh vực nhựa, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Một số hiệp hội ngành nghề, chuyên gia pháp lý và đại diện cơ quan nhà nước cũng đã được mời tham gia với tư cách diễn giả, điều phối hoặc khách mời chuyên môn.
Đây không chỉ là một hội thảo kỹ thuật, mà là cơ hội để tái khẳng định một nguyên tắc quan trọng: doanh nghiệp thật cần một hệ thống pháp lý có khả năng phòng ngừa rủi ro từ sớm, thay vì chỉ can thiệp sau khi thiệt hại đã xảy ra.
Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ thêm: “Chúng tôi không kêu gọi đặc quyền, nhưng trong một thị trường đầy biến động, doanh nghiệp chân chính cần một hệ thống pháp lý công bằng – nơi cái thật được bảo vệ đúng lúc, và cái giả không thể sống sót chỉ vì bất cứ lý do nào ”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-chan-chinh-can-duoc-bao-ve-bang-phap-luat-post859435.html