Doanh nghiệp chắn đường xuống biển 'tố' dân 'vừa ăn cướp vừa la làng'
Ông Trường Thi, đại diện nhà đầu tư Sài Gòn Sovico Phú Quốc nói dân bao chiếm đất và căng băng rôn phản ứng doanh nghiệp là 'vừa ăn cướp vừa la làng'.
Chiều 6.6, ông Trần Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương, H.Phú Quốc (Kiên Giang) cùng đại diện Công an H.Phú Quốc và các ngành chức năng đến ấp Ông Lang (xã Cửa Dương) để kiểm tra vụ chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Phú Quốc là Sài Gòn Sovico Phú Quốc làm hàng rào chắn đường xuống biển.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho biết tổ kiểm tra đã tới hiện trường xác nhận việc chủ đầu tư tự ý dựng hàng rào là có thật. Theo ông Toàn, thường trực UBND huyện đang họp nghe báo cáo. Sau khi thống nhất hướng xử lý, sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với các bên liên quan để giải tỏa bức xúc cho bà con ở ấp Ông Lang.
Liên quan vụ việc, trong cuộc trao đổi với PV qua điện thoại, đại diện chủ đầu tư là ông Trường Thi nói rằng những người dân phản ứng Sài Gòn Sovico Phú Quốc là nhóm… bao chiếm đất của doanh nghiệp. Ông Thi cho rằng những người này “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Bức xúc trước kiểu phát ngôn của ông Thi, quản lý 1 nhà hàng gần chỗ Sovico dựng hàng rào đã nói: “Doanh nghiệp mới là người cướp đất dân! Vài ngày trước một nhóm xã hội đen chở theo hung khí vào hiện trường, chúng tôi điện báo công an thì họ mới bỏ đi. Nhiều hộ chưa được bồi thường đất mà doanh nghiệp tự ý rào chắn đường xuống biển là không chấp nhận được”.
Ông Phạm Văn Mận (Tư Mận), nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh H.Phú Quốc, nói rằng Sài Gòn Sovico Phú Quốc đã sai khi tự ý làm hàng rào chắn con đường chính và huyết mạch của người dân Ông Lang đi xuống biển. Ở tuổi 65, ông Tư Mận đã có thời gian dài ở trên đất Ông Lang nên ông biết rõ con đường của người dân xuống biển hàng ngày.
Ông Tư Mận khẳng định con đường chính đi xuống biển bị doanh nghiệp chắn lại là sai - Ảnh: Hàm Yên
“Trong vụ này chính quyền cũng sai, đó là chưa cấp nền tái định cư cho dân. Đây là đường dân sinh có từ lâu đời và là đường xuống biển liên xã Cửa Dương đi Cửa Cạn. Đường nhựa ở trên sau này mới có, còn trước đây người dân chỉ đi đường này. Dọc theo đường xuống biển còn có nhiều mồ mả của người dân địa phương”, ông Tư Mận nói.
Sau khi bị người dân phản ứng, Sài Gòn Sovico Phú Quốc đã tháo bỏ tấm bảng “Không phận sự cấm vào” và thay vào đó là bảng “Du khách và người dân vui lòng đi bộ ra biển”.
Theo ông Tư Mận, nếu người dân và du khách bỏ xe ngoài hàng rào của Sovico để đi xuống biển thì mất tài sản ai chịu trách nhiệm? Ông Tư nói, doanh nghiệp tháo bỏ hàng rào để xe máy, ô tô chạy xuống bãi biển chung của người dân là phù hợp nhất.
Như Một Thế Giới thông tin, 3 ngày trước, gần 30 người dân ở xã Cửa Dương kéo về ấp Ông Lang để căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp Sovico lập hàng rào chặn đường xuống biển. Tại đây có 1 dự án rộng 205 ha, kéo dài gần đến xã Cửa Cạn.
Ông Trương Văn Buôl, nguyên Trưởng ấp Ông Lang, cho biết nơi doanh nghiệp lập hàng rào và treo bảng cấm vào là đường mòn để người dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở đây chưa được đền bù.