Doanh nghiệp chấp nhận lãi cao để gia hạn trái phiếu
Trong bối cảnh chậm thanh toán, không ít doanh nghiệp đã phải chấp nhận gia hạn trái phiếu với lãi suất cao hơn ban đầu. Nhiều đơn vị còn đẩy lãi lên tới hơn 17%/năm như CTCP Tập đoàn Đua Fat.
Theo thống kê của công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tính đến ngày 4/5, thị trường đã ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị là 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Chỉ trong khoảng nửa đầu tháng 5, liên tiếp các doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm thanh toán trái phiếu: Bất động sản Gia Phú, Xây dựng Hưng Phát, Đất xanh miền Nam.
16 doanh nghiệp đàm phán thành công gia hạn trả nợ
Còn theo thống kê từ Chứng khoán HSC, từ tháng 5 đến cuối năm nay, 20,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành đã từng chậm thanh toán sẽ đáo hạn. Trong đó có 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã chậm thanh toán lãi trước đó. Tổng cộng sẽ có 57,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong thời gian trên có thể cũng sẽ chậm thanh toán. Đỉnh điểm có thể sẽ rơi vào tháng 9 năm nay.
Trong kịch bản cơ sở, HSC dự kiến khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỷ đồng vào cuối năm nay.
Trước khả năng thanh toán đang yếu dần, Nghị định 08 về thị trường trái phiếu được Chính phủ ban hành, cho phép kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, thị trường cũng đã ghi nhận một số hoạt động cơ cấu lại nợ, triển khai theo quy định mới.
Tại tọa đàm 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp' được tổ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8 nghìn tỷ đồng (7,9 nghìn tỷ đồng). Trong đó có một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…
“Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản,… thành công”, Thứ trưởng Bộ tài chính cho hay.
Điển hình, ngày 4/5, Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt đã gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng kèm theo động thái nâng lãi suất cao hơn đến ngày đáo hạn, từ 13% lên 15%.
Tương tự, Công ty CP Hưng Thịnh Icons (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) đã gia hạn thành công lô trái phiếu HTNBH2122002 thêm 1 năm so với thời hạn cũ. Lãi suất cho số tiền còn lại (210 trong số 300 tỷ đồng) chưa thanh toán vẫn được áp dụng neo cao ở mức 17,75%/năm.
Tập đoàn Đua Fat đã thông qua lộ trình thanh toán lô trái phiếu DFFH2123001 muộn hơn 4 tháng so với cam kết ban đầu. Lãi suất trong thời gian quá hạn từ ngày 2/3 - 14/7 là 17,625%/năm, cao hơn nhiều mức lãi suất ban đầu của trái phiếu là 11,75%/năm.
Đàm phán gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Tổng giám đốc nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho rằng, gia hạn trái phiếu là cách duy nhất mà doanh nghiệp hiện nay có thể làm. Bởi nếu tính đến phương án hoán đổi tài sản sẽ không dễ dàng khi chính tài sản lại đang bị chôn chặt tại các ngân hàng. Nếu hoán đổi được thì sẽ không phải mức giá thị trường hiện nay do mức định giá của ngân hàng thời điểm trước rất cao.
"Gia hạn trái phiếu sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn, trong khi doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Nếu gia hạn mà không phải tăng lãi suất thì sẽ là phương án tốt đẹp nhất", ông Ngọc đánh giá.
Mặc dù việc cho phép đàm phán gia hạn trái phiếu được ví như "mỏ neo" với doanh nghiệp phát hành, song ông Vương Hoàng Sơn, giám đốc khối ngân hàng đầu tư, Chứng khoán VNDirect, cũng nhìn nhận: Với quy định tổ chức phát hành có thể xin ý kiến người sở hữu trái phiếu để thay đổi điều khoản trái phiếu, thêm tối đa hai năm, sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc gia hạn đối với các trái phiếu có số lượng nhà đầu tư lớn, vì việc sửa đổi các điều kiện liên quan đến thanh toán như kỳ hạn, lãi suất... thường phải cần tỷ lệ rất cao người sở hữu trái phiếu đồng thuận... Do vậy, không phải lô trái phiếu nào cũng thành công trong quá trình đàm phán.
Chia sẻ tại một tọa đàm gần đây, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings (thuộc Fiin Group), đánh giá đề xuất giãn nợ sẽ giúp giải quyết vướng mắc lớn nhất của thị trường hiện nay, đó là giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để chuẩn bị, còn lại những quy định khác có tác động nhưng không quá nhiều.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ trái phiếu thì doanh nghiệp cần cái gật đầu của các trái chủ. Do đó, theo Fiingroup, điểm mấu chốt để tái cấu trúc nợ là các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu cho hoạt động tái cơ cấu nợ, ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65.