Doanh nghiệp chật vật bán hàng vào những thị trường lớn
Từ đầu năm đến nay, hàng hóa của Đồng Nai vào 5 thị trường lớn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu đều giảm sâu. Nguyên nhân là do sức mua của người tiêu dùng tại các nước trên yếu dẫn đến đơn hàng ít. Có những doanh nghiệp (DN) đơn hàng giảm từ 30-60%.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2023 gần 2,9 tỷ USD, giảm hơn 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai sức mua giảm từ 12-13%.
* Cạnh tranh gay gắt
Năm 2023, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn như: dịch bệnh, xung đột tại một số nơi trên thế giới, lạm phát, biến động tỷ giá... Trước tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cũng có những thay đổi đáng kể. Những mặt hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe được ưu tiên mua sắm hàng đầu, tiếp đến là sản phẩm tiêu dùng cần thiết, còn lại các mặt hàng tiêu dùng khác đều bị hạn chế mua sắm. Các DN bán sỉ, bán lẻ hàng hóa tại các nước sẽ căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng để lên kế hoạch đặt hàng cho phù hợp. Theo đó, nhiều đơn hàng buộc phải cắt giảm, hủy hoặc kéo dài thời gian giao hàng.
Các thị trường lớn của thế giới giảm tiêu thụ hàng hóa dẫn đến khủng hoảng đầu ra cho nhiều DN tại Việt Nam cũng như các nước. Đơn hàng ít, các DN cùng ngành hàng trên thế giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt để có được đơn hàng nhằm duy trì sản xuất.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tiếp đến là Nhật Bản hơn 11%, Trung Quốc hơn 8% và Hàn Quốc gần 6%.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết: “Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm cả thị trường trong nước lẫn thị trường các nước nhập khẩu lớn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ cuối năm 2022 đến nay, đơn hàng của các DN dệt may tại Việt Nam đã giảm sâu, dự kiến đầu quý III-2023 mới phục hồi trở lại”.
Dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào khoảng 66 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với 55 mặt hàng chủ lực, nhưng vẫn chịu cạnh tranh gay gắt từ những mặt hàng cùng loại đến từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar…
Ngành giày dép, sản phẩm gỗ, điện tử, linh kiện máy móc, sản phẩm từ sắt thép… cũng chung cảnh ngộ như dệt may khi các thị trường lớn hạn chế nhập hàng. Do đó, các DN ở Việt Nam cũng tìm mọi cách để có được đơn hàng khi nguồn cung dồi dào, nhu cầu ít. Các nhãn hàng đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng, giá lại có xu hướng giảm khiến các DN sản xuất càng thêm gánh nặng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Phan Văn Bình cho hay: “Hầu hết sản phẩm gỗ của Nhất Nam bán vào Hoa Kỳ nên khi thị trường này suy giảm, sức mua yếu, công ty bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện đơn hàng từ thị trường này giảm 40-50%, khả năng phải 3-4 tháng nữa mới phục hồi dần”.
* Tìm thị trường mới không dễ
Hiện nay, DN trên địa bàn tỉnh đang cố gắng tìm thêm các thị trường mới để có đơn hàng, giữ được sản xuất nhưng cũng không dễ, bởi sức mua của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều giảm sâu. Bên cạnh đó, mỗi thị trường sẽ có đòi hỏi riêng về chất lượng, mẫu mã, DN không thể trong một sớm, một chiều có thể đáp ứng được.
Theo ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom), kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, xuất khẩu của nhiều DN Đài Loan tại Đồng Nai. Tuy các DN nỗ lực tìm thêm đơn hàng từ nhiều thị trường nhưng cũng không dễ dàng. Trong thời điểm này, DN buộc phải linh hoạt, nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã để có khách hàng.
Ngoài ra, sản xuất hàng hóa hiện đã hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu và các nhãn hàng sẽ làm chủ những chuỗi trên. Vì thế, các nhãn hàng sẽ điều tiết đơn hàng tại những nhà máy ở mỗi quốc gia cho phù hợp. Trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn cầu, nhãn hàng quốc tế sẽ cân nhắc, tính toán sản xuất ở nơi nào chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thuận lợi cho vận chuyển. DN muốn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải có những điểm nổi trội hơn như: sản phẩm xanh, giá cạnh tranh, tiện lợi và đa dạng.
Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) Tsuyoshi Kozuki chia sẻ: “Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu thịt gà từ Thái Lan, Brasil, Trung Quốc. Từ cuối năm 2022, Itochu chọn nhập khẩu thịt gà chế biến từ Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam vì DN này sản xuất theo mô hình khép kín đảm bảo chất lượng sản phẩm”.
Trong nửa đầu năm 2023, đa số các DN gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Mở ra thị trường mới cần có thời gian xúc tiến thương mại, nghiên cứu để lên kế hoạch sản xuất sản phẩm cho phù hợp. Với khách hàng mới, DN mất thời gian tìm hiểu, cẩn trọng trong các hợp đồng giao dịch để giảm bớt rủi ro khi mua bán hàng hóa.