Doanh nghiệp chật vật vì hãng tàu tạm ngưng nhận đưa container lạnh đi Mỹ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thủy sản và trái cây, đang phải chật vật tìm kiếm hãng tàu vận chuyển container lạnh đi Mỹ thay thế cho một số hãng vừa thông báo sẽ ngưng nhận đưa container lạnh từ đầu tháng 4 này.
Trong tình hình vận tải biển bị khủng hoảng do Covid-19, thiếu container rỗng, giá cước tăng… kéo dài từ năm 2020 đến nay, việc một số hãng ngưng nhận container lạnh đi Mỹ càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn hơn.
Nhiều hãng tàu ngưng nhận container lạnh đi Mỹ
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, một cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (có trụ sở chính tại Đà Nẵng), cho biết tuần trước, doanh nghiệp này đặt chỗ đưa hàng thủy sản đông lạnh sang Mỹ với hãng tàu MSC và mọi việc diễn ra bình thường.
Thế nhưng từ tuần này, phía hãng tàu MSC cho rằng, họ không nhận đưa container lạnh đi Mỹ nữa. Để đảm bảo đúng thời gian giao hàng cho đối tác, Thuận Phước phải tìm hãng tàu khác thay thế MSC. Tuy nhiên, việc tìm kiếm này không dễ dàng vì doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn phù hợp, đồng thời hầu hết các hãng tàu đều yêu cầu thời gian đưa hàng đi phải cách thời điểm đặt chỗ ít nhất nửa tháng.
Theo vị này, nguyên nhân mà hãng tàu đưa ra để từ chối nhận container lạnh sang Mỹ là số lượng container lạnh đang tồn đọng tại Mỹ quá lớn. Do đó, lượng container lạnh rỗng về Việt Nam bị thiếu hụt, hãng phải tạm ngưng đưa hàng lạnh sang nước này một thời gian.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng), cũng cho biết doanh nghiệp này hợp tác với hai hãng tàu để xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, gồm MAERSK Line và OOCL. Mới đây, hãng tàu MAERSK thông báo đóng tuyến vận chuyển hàng đến bờ đông nước Mỹ (tới các cảng như New York, Savannah, Charleston...).
Do đó, doanh nghiệp này cũng phải chật vật tìm kiếm hãng tàu khác để thay thế. Trong khi, cước tàu biển tăng gấp đôi so với trước đây đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cũng như cân đối các chi phí.
Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít. Thay vào đó, các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn cho hãng tàu.
Theo đại diện VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang như “cá nằm trên thớt” trong khâu vận chuyển hàng hóa đi Mỹ, đặt được chuyến là mừng dù chưa biết giá cước là bao nhiêu. Riêng về giá cước, các hãng tàu báo giá rất trễ, bảng báo giá cũng chỉ có hiệu lực 10-15 ngày khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đàm phán chi phí vận chuyển cũng như giá bán với nhà nhập khẩu.
Hơn nữa trong ngành thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải lo đặt tàu chở hàng cho nhà nhập khẩu, tức phải giao hàng tại cảng nước nhập khẩu hoặc tại kho doanh nghiệp nhập khẩu (giá FOB). Do đó, việc một số hãng tàu không nhận đưa container lạnh đi Mỹ sẽ đẩy nhu cầu về các hãng tàu đang còn nhận đặt chỗ, làm tăng áp lực lên các hãng này và thêm việc cho doanh nghiệp phía Việt Nam.
Chỉ là vấn đề tạm thời?
Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, thông tin thêm rằng hãng tàu MSC lấy lý do là lượng đặt chỗ hàng xuất khẩu đi Mỹ đã đầy nên không nhận thêm nữa. Còn việc MAERSK LINE đóng tuyến đến bờ Đông nước Mỹ khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải tự lo liệu khâu vận chuyển hàng từ các cảng bờ Tây sang bờ Đông.
“Những hàng tàu biển lớn và uy tín như MAERSK Line mà đã ngưng nhận vận chuyển thì doanh nghiệp cũng rất khó để tìm kiếm nguồn thay thế. Do đó, với tình hình hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải thương lượng lại với nhà nhập khẩu về thời gian giao hàng”, ông Hòe cho biết.
Cũng theo ông Hòe, việc vận tải biển sang Mỹ bị đình trệ một phần nguyên nhân liên quan tới việc kênh đào Suez (Ai Cập) bị tắc nghẽn do tàu Ever Given trong những ngày qua. Theo đó, nhiều tàu container bị mắc kẹt tại đây khiến kế hoạch tàu của các hãng có nhiều thay đổi. Hệ quả là các hãng việc phải tạm ngưng nhận đặt chỗ từ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tránh mang tiếng “delay”.
“Chúng tôi hy vọng đây chỉ là vấn đề tạm thời. Khi kênh đào Suez được giải phóng, trong vòng 10-15 ngày nữa, mọi việc có thể được giải quyết ổn thỏa hơn”, ông Hòe nhận định. “Tuy nhiên, các hãng tàu cũng sẽ phải có trách nhiệm với khách hàng của mình trong việc họ tạm ngưng hoặc hủy đặt chỗ vận chuyển hàng hóa để doanh nghiệp xuất khẩu không quá thiệt hại”, ông Hòe nói thêm.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, kênh đào Suez vừa mới được giải phóng xong nên các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô, sau đó mới đến hàng lạnh. Nguyên nhân là khi vận chuyển container lạnh trên tàu thì phải cắm chốt điện để làm lạnh trong khi số chấu cắm này ở trên tàu có hạn. Do đó, hãng tàu phải hạn chế nhận đơn hàng vận chuyển container lạnh đi Mỹ để ưu tiên cho các container thông thường.
Theo ông Hiệp, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Mỹ, do đó, lượng lao động làm việc tại các cảng bị hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải phóng hàng hóa trên các container. Hiện nay, tình trạng ùn ứ container tại Mỹ đang rất căng thẳng, kéo theo đó, lượng container lạnh về Việt Nam ít hơn, tình trạng khan hiếm container càng nghiêm trọng hơn.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay Việt Nam có 25 tuyến vận tải biển quốc tế. Cụ thể, ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác hai tuyến đi Bắc Mỹ, phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu.
Nam Bình