Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng vào đà tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam
Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) khẳng định, triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đang tích cực dần lên. Có nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2023 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố cho thấy kỳ vọng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đối với tình hình kinh tế cũng như kinh doanh tại Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, nhất là triển vọng trong quý cuối cùng của năm 2023?
Ông Trần Thanh Quyết: Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2023 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố cho thấy kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đối với tình hình kinh tế cũng như kinh doanh tại Việt Nam. Dựa trên thực tế từ các doanh nghiệp thì có thể thấy đã có một số tín hiệu khả quan hơn so với các con số công bố vào những quý trước đó. Thực tế thì trong quý III/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 5,3% đã cho thấy có sự cải thiện rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam so với các quý khác của năm nay.
Theo dự báo, quý IV/2023 được kỳ vọng sẽ có nhiều hơn tín hiệu tích cực hơn khi hoạt động xuất khẩu đã sôi động hơn từ tháng 9. Đồng thời, các giao dịch thương mại cũng sẽ náo nhiệt hơn bởi thông thường quý IV sẽ là quý sôi động của kinh tế Việt Nam khi hoạt động mua sắm và tiêu dùng sẽ nhộn nhịp hơn vào dịp Tết Nguyên đán.
Có thể nhìn thấy một số phương diện tích cực của kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tiếp theo. Điều này có thể thấy qua quyết tâm của Chính phủ về việc đẩy nhanh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các thủ tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, thông qua việc đẩy mạnh các quy trình số hóa các công đoạn liên quan đến hành chính công, giúp cho doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí cho các hoạt động này.
Đồng thời, chúng ta cũng thấy rõ xu hướng khá tích cực từ phía các doanh nghiệp nước ngoài khi nhìn thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo các mục tiêu về phát triển xanh. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh về quy mô, quy trình sản xuất để nắm bắt những cơ hội trong thời gian tới, cùng với các chủ trương chính sách và ưu đãi về phát triển xanh tại Việt Nam.
Những con số từ BCI quý III mới thể hiện được phương diện ghi nhận của các doanh nghiệp châu Âu hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào một bức tranh tổng thể chung thì trong giai đoạn hai quý cuối năm 2023, xu hướng đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và đây sẽ là một điểm sáng chuẩn bị cho sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Việt Nam từ quý II/2024.
PV: Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Theo ông, điều gì đã làm lên sức hút của thị trường Việt Nam?
Ông Trần Thanh Quyết: Ngoài các yếu tố về vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với những doanh nghiệp, những nhà đầu tư tiềm năng từ châu Âu, họ cũng nhìn ra một thực tế là từ FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, đã có rất nhiều ưu đãi về thuế giúp cho các hàng hóa giao dịch giữa Việt Nam và châu Âu được thuận lợi hơn rất nhiều và giảm các chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN, thông qua đó tối ưu hóa lợi nhuận.
Hơn ai hết, các DN châu Âu nhìn ra được sự khác biệt khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, với quy mô thị trường 100 triệu dân, Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế nói chung và nhà đầu tư châu Âu nói riêng. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự đồng hành, lắng nghe của Chính phủ với cộng đồng DN cũng là một điểm tích cực.
Chúng tôi vẫn đang ghi nhận xu hướng tích cực trong thời gian gần đây với sự dịch chuyển hoặc mở rộng thêm quy mô đầu tư bên ngoài Trung Quốc (chiến lược Trung Quốc + 1) của các nhà đầu tư châu Âu.
PV: Dưới góc độ một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ông có khuyến nghị chính sách gì để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Trần Thanh Quyết: Tôi cho rằng, chủ trương hiện tại của Chính phủ cũng như các địa phương về thu hút đầu tư đang đi đúng hướng và cũng nên tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù trong khó khăn thì các doanh nghiệp vẫn có thể tranh thủ tìm hiểu thêm về những cơ hội để chuyển đổi kinh doanh hoặc đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng về lâu dài, ví dụ như kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, phải tăng cường các hoạt động giới thiệu xúc tiến đầu tư và đặc biệt hơn nữa là có thêm những hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài hiện tại đang hoạt động tại Việt Nam, bởi việc tiếp tục tin tưởng vào những cơ hội kinh doanh thị trường Việt Nam là rất quan trọng.
Thu hút thêm nhà đầu tư mới là một yêu cầu tất yếu, nhưng việc duy trì các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng là một điểm cần phải chú ý, vì sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp này chính là một thông điệp lan tỏa hữu ích tới các nhà đầu tư đang có ý định tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định các lộ trình rõ ràng để tập trung triển khai và trong quá trình đó vẫn tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, để hoàn thiện hơn các cải cách này, tạo ra sức hút nhiều hơn nữa cho thị trường Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đang có sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư Ý đối với Việt Nam
Hiện nay đang có sự quan tâm tương đối lớn từ phía các nhà đầu tư Ý đối với Việt Nam. Mới đây nhất, chủ tịch vùng Lombardy với thủ phủ Milan đã sang thăm Việt Nam. Đây là vùng đứng đầu của Ý về đóng góp về GDP, với quy mô khoảng 370 tỷ USD, tương đương với khoảng 90% GDP Việt Nam. Chuyến thăm này cho thấy Việt Nam được sự quan tâm lớn từ phía các doanh nghiệp Ý tới Việt Nam. Ý là quốc gia có rất nhiều doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế xanh và đây cũng có thể là một trong những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư tiềm năng của Ý tới Việt Nam trong thời gian tới./.