Doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm đầu tư 'chiều sâu'

DN chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) đầu tư dây chuyền công nghệ, liên kết với nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm bán vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu đi nước ngoài. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội LTTP TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Bà Lý Kim Chi

Bà Lý Kim Chi

Theo bà, đâu là cơ hội cho các DN chế biến LTTP của Việt Nam đưa hàng hóa ra nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay?

Thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh có chương trình kết nối với một số hệ thống siêu thị lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aeon... để đưa hàng hóa của DN Việt vào hệ thống các siêu thị này, trong đó có số lượng lớn là các mặt hàng LTTP đã qua chế biến. Đồng thời, thông qua hệ thống phân phối của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, sẽ đưa các sản phẩm LTTP ngày một đa dạng và phong phú hơn đến tay người tiêu dùng các nước này. Đây có thể coi là một cơ hội tốt cho các DN Việt Nam nói chung và DN ngành chế biến LTTP nói riêng để có thêm kênh xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên để đưa hàng vào siêu thị ngoại, DN Việt cần tự chuẩn hóa, nâng cao năng lực và nhất là phải chú ý đến việc xây dựng thương hiệu để thuận lợi hơn khi “chen chân” vào hệ thống phân phối hàng hóa của nước ngoài.

Các yêu cầu, quy chuẩn, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn còn là một trở ngại lớn đối với DN chế biến LTTP Việt khi đưa hàng hóa ra nước ngoài. Vậy, hiện nay DN đã làm gì để vượt qua trở ngại này?

Có thể nói, trong vài năm trở lại đây các DN chế biến LTTP trong nước đã có sự đầu tư đáng kể vào dây chuyền công nghệ để nâng cao chất lượng, chế biến chuyên sâu nhiều mặt hàng LTTP đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hiện hơn 60% DN chế biến LTTP có đủ năng lực, trình độ chế biến xuất khẩu hàng hóa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo VSATTP... của những thị trường khó tính.

Để làm được điều này, các DN chế biến LTTP đã liên kết với người nông dân để có thể chủ động, đảm bảo, kiểm soát được ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN có thể đáp ứng tốt những quy chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Bởi, đối với mặt hàng LTTP, nguyên liệu đầu vào phải chuẩn mới có sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt.

Để đưa hàng vào siêu thị ngoại, DN Việt cần tự chuẩn hóa, nâng cao năng lực và xây dựng thương hiệu

Để đưa hàng vào siêu thị ngoại, DN Việt cần tự chuẩn hóa, nâng cao năng lực và xây dựng thương hiệu

Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng chuộng các loại thực phẩm hữu cơ, vậy theo bà, DN chế biến LTTP đã làm gì để nắm bắt cơ hội này?

Thực phẩm bẩn, thực phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh cao là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc, nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Trước vấn nạn đó, thực phẩm hữu cơ hiện đang là xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nắm bắt được điều này, DN ngành chế biến LTTP đã tập trung đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ và nguồn gốc tự nhiên (organic & natural food). Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa thực sự là thế mạnh của những DN trong nước, mà đây lại là cơ hội tốt để các DN nước ngoài hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tìm kiếm đối tác phân phối, các đại lý tại Việt Nam. Nhưng cũng chính vì thế mà tính cạnh tranh đã được đẩy lên, kích thích các DN trong nước sớm thích nghi và đổi mới để gia nhập vào “sân chơi” thương mại chung của ngành hàng đầy tiềm năng này, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước.

Được biết, những năm gần đây ngành LTTP chế biến đang là đích ngắm thu hút đầu tư của các DN nước ngoài, bà có thể nói gì về điều này?

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến LTTP tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định mặc dù bối cảnh thị trường còn khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đông dân, thu nhập ngày càng cao nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến lĩnh vực chế biến LTTP bởi tiềm năng rất lớn. Trong đó, một số mặt hàng sản xuất chế biến cụ thể như bún, miến khô, nước chấm, trứng, thịt gia cầm... đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư ngoại. Họ muốn rót tiền vào để sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam, rồi xuất đi các nước. Điều này cũng mở ra cánh cửa để hàng hóa chế biến của DN tại Việt Nam có thể lan tỏa đi đến với nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Tuyết thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-che-bien-luong-thuc-thuc-pham-dau-tu-chieu-sau-90336.html