Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu khi nợ không vượt 3 lần vốn chủ sở hữu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Một trong những nội dung trọng tâm là siết chặt điều kiện chào bán, phát hành trái phiếu ra công chúng, qua đó nâng cao tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và lành mạnh hóa thị trường vốn.

Siết điều kiện phát hành trái phiếu

Dự thảo nghị định bổ sung một loạt điều kiện mới đối với tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng, tập trung vào năng lực tài chính và nghĩa vụ minh bạch thông tin.

Cụ thể, doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng hệ số nợ phải trả không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Đồng thời, giá trị trái phiếu dự kiến phát hành theo mệnh giá không được vượt quá mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng. Quy định này nhằm thúc đẩy hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, từ đó tăng cường tính công khai, minh bạch và giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở đánh giá rủi ro khi tham gia thị trường.

Bộ Tài chính cho biết, các điều kiện nêu trên nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức phát hành, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho công chúng đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có nhiều biến động.

Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các trường hợp trái phiếu được bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi bởi tổ chức tín dụng sẽ không bị giới hạn bởi quy định về tỷ lệ nợ. Lý do là các tổ chức này hoạt động theo cơ chế đặc thù, chịu sự quản lý chặt chẽ và đã có khung pháp lý riêng về an toàn tài chính.

Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu khi nợ không vượt 3 lần vốn chủ sở hữu

Doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu khi nợ không vượt 3 lần vốn chủ sở hữu

Hoàn thiện khung pháp lý phát hành chứng khoán

Bên cạnh các quy định liên quan đến trái phiếu, dự thảo cũng bổ sung nhiều nội dung nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chào bán, phát hành chứng khoán.

Tại Điều 30 và Điều 31, dự thảo bổ sung quy định đối với doanh nghiệp đã tái cơ cấu trước khi thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo đó, tổ chức phát hành phải nộp báo cáo tổng hợp thông tin theo quy ước, nhằm phản ánh đầy đủ tình hình tài chính và hoạt động sau khi tái cơ cấu.

Dự thảo cũng sửa đổi Điều 49, yêu cầu kỳ kế toán của các công ty có cổ phần hoặc phần vốn góp được hoán đổi phải tối thiểu 12 tháng. Quy định này được đưa ra để hạn chế tình trạng lợi dụng phát hành cổ phiếu nhằm hoán đổi cổ phần tại các doanh nghiệp mới thành lập, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung Điều 202a về chào bán chứng quyền có bảo đảm, giúp hoàn thiện khung pháp lý và phù hợp với Luật Chứng khoán 2019, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong các quy định về thủ tục hành chính.

Tăng điều kiện niêm yết, rút ngắn thời gian IPO lên sàn

Về niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán, dự thảo sửa đổi Điều 109 để bổ sung điều kiện tổ chức đăng ký niêm yết phải có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên. Quy định này nhằm đảm bảo sự thống nhất với tiêu chí trở thành công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Bên cạnh đó, để bảo vệ nhà đầu tư tham gia IPO, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 111a nhằm rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường niêm yết tập trung sau khi chào bán lần đầu.

Về thành viên giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), dự thảo làm rõ các trường hợp đình chỉ giao dịch tại Điều 105, đồng thời bổ sung Điều 106a quy định về thành viên tạo lập thị trường.

Túc Mạch

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/doanh-nghiep-chi-duoc-phat-hanh-trai-phieu-khi-no-khong-vuot-3-lan-von-chu-so-huu-142550.html