Doanh nghiệp chở quá tải chìa hợp đồng bán xe cho tài xế để né phạt nặng?
Trong lúc bị giữ xe vì lỗi chở quá tải và chờ nộp phạt, doanh nghiệp sử dụng hợp đồng thể hiện chiếc xe đã được doanh nghiệp bán cho tài xế.
Bị giữ xe, giấy tờ vẫn có hợp đồng mua bán
Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 26/6 vừa qua, đơn vị đã kiểm tra xe đầu kéo BKS 88H-003.05, kéo theo rơ-moóc 88R-004.00 sử dụng logo “Luận Khánh”.
Kết quả cho thấy, phương tiện trên chở hàng quá tải 138,52%. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở hàng quá tải.
Điều đáng nói, ngày 5/5, phương tiện trên đã bị tổ công tác Phòng CSGT công an tỉnh Tuyên Quang phát hiện chở hàng quá tải ở mức từ 30%-50%.
Do vậy, ngày 30/5, công an tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định xử phạt chủ xe là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tin học Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) với tổng số tiền 29 triệu đồng về hành vi sử dụng xe đầu kéo trên chở hàng quá tải, sử dụng xe có phù hiệu nhưng hết giá trị sử dụng.
Do đã quá thời hạn xử lý, Công ty trên chưa đến nộp phạt nên các giấy tờ liên quan đến phương tiện đã bị cơ quan công an tước quyền sử dụng. Tuy nhiên, chiếc xe vẫn được sử dụng để chở hàng quá tải.
Ngày 26/6, chủ xe là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tin học Thiên Sơn mới đến nộp phạt, trình giấy tờ có liên quan để tổ công tác CSGT tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm khi đã bị tạm giữ xe.
Tuy nhiên, lúc lực lượng chức năng đang lập biên bản xử lý thì tài xế điều khiển phương tiện là Bùi Thế A (SN 1992, trú tại xã An Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã xuất trình hợp đồng mua bán xe, thể hiện Công ty Thiên Sơn đã bán chiếc xe này cho người điều khiển. Mặc dù vậy, hợp đồng mua bán này chưa được chứng thực, xe chưa được sang tên đổi chủ theo quy định.
Trước hợp đồng mua bán trên, tổ công tác CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt chủ xe là cá nhân trực tiếp điều khiển xe quá tải. Do vậy, mức tiền phạt chỉ bằng 1/2 số tiền phạt đối với chủ xe là doanh nghiệp.
Theo quy định, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng; tổ chức bị phạt từ 32-36 triệu đồng nếu giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100%-150%.
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước bằng lái từ 2-4 tháng.
Trường hợp trên, nếu được xác định là chủ xe chở hàng quá tải, Công ty Thiên Sơn còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm.
Do đó, ngoài việc tài xế điều khiển xe bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe, doanh nghiệp này có thể bị phạt số tiền lên đến 36 triệu đồng.
Trường hợp hợp đồng mua bán chưa chứng thực trên được chấp nhận thì chỉ mình tài xế bị phạt, Công ty Thiên Sơn sẽ vô can.
Có dấu hiệu lách luật?
Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Xe ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, theo quy định của pháp luật thì hợp đồng mua bán xe ô tô thì phải có công chứng và phải đăng ký theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Cùng đó, Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an cũng quy định việc chuyển quyền sở hữu xe bao gồm các giấy tờ sau: Hóa đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật. Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực...
Như vậy, hợp đồng mua bán của cá nhân bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, căn cứ Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hợp đồng mua bán xe ô tô chỉ có hiệu lực từ thời điểm được công chứng hoặc chứng thực bởi các cơ quan có thẩm quyền và khi người mua đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: Trong trường hợp hợp đồng mua bán xe chưa được chứng thực thì việc mua bán là vô hiệu, chưa có hiệu lực pháp luật. Tương tự, các hợp đồng ủy quyền sử dụng, cho thuê phương tiện... được đưa ra nhằm né tránh khung phạt nặng cũng đều không được pháp luật công nhận.
Do đó, chủ xe hợp pháp theo quy định vẫn là doanh nghiệp, cơ quan công an cần xác minh, làm rõ để xử lý chủ xe là doanh nghiệp theo đúng quy định.
Doanh nghiệp nói tài xế "làm liều"
Trước nhận định trên, ngày 4/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, chỉ huy Đội CSGT Đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuy đã lập biên bản vi phạm hành chính tài xế là chủ xe, trực tiếp điều khiển phương tiện nhưng những ngày qua, Đội đã cử tổ công tác về Vĩnh Phúc xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến chủ phương tiện trên.
Kết quả xác minh sơ bộ cho thấy, hiện nay Công ty Thiên Sơn vẫn đứng tên đăng ký xe đầu kéo BKS 88H-003.05, kéo theo rơ-moóc 88R-004.00.
Hợp đồng mua bán xe giữa doanh nghiệp và tài xế trên chưa được công chứng, chứng thực; việc mua bán chưa được xuất hóa đơn, chưa nộp các khoản thuế, phí liên quan theo quy định; xe chưa sang tên đổi chủ.
Hiện, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định hiện hành.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Tập, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tin học Thiên Sơn cho biết: Doanh nghiệp luôn quán triệt lái xe là chỉ vận chuyển đủ tải vì nếu chạy quá tải sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt cao gấp nhiều lần lợi nhuận.
Cụ thể, mỗi xe cát từ Tuyên Quang về Vĩnh Phúc chỉ có giá trị từ 8-10 triệu đồng nhưng khi chở quá tải, chủ xe bị phạt đến gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, do công ty khoán xe, trả công tài xế theo khối lượng vận chuyển nên các tài xế đã làm liều, chở hàng quá tải để tăng thu nhập đã làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tập cũng cho biết, trước việc liên tiếp bị cơ quan chức năng xử phạt lỗi chủ xe chở hàng quá tải, công ty đã chấm dứt hợp đồng với nhiều lái xe.
Riêng thông tin liên quan đến nghi vấn lách luật bằng hợp đồng mua bán xe, bà Tập cho biết: "Đây là thông tin nhạy cảm, không thể trao đổi qua điện thoại. Công ty sẽ sớm bố trí lịch làm việc để cung cấp thông tin cụ thể đến Báo Giao thông".
Được biết, việc lái xe đưa ra các hợp đồng mua bán, ủy quyền sử dụng, cho thuê phương tiện khi chở quá tải để né tránh việc bị cơ quan chức năng xử lý chủ xe là doanh nghiệp với mức phạt cao đã diễn ra tại nhiều địa phương, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm vì lực lượng chức năng phải mất thời gian, nhân lực vào cuộc xác minh, làm rõ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhiều chỉ huy đội CSGT chia sẻ, nhiều trường hợp do ngại xác minh đã chấp nhận khai báo của tài xế và các hợp đồng chưa chứng thực liên quan để bỏ qua vi phạm của chủ xe là doanh nghiệp.