Doanh nghiệp chủ động bắt nhịp công nghệ số

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp (DN). Nhận thức điều này, nhiều hội viên của Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên đã kịp thời ứng dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái đang tích hợp đa nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh.

Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái đang tích hợp đa nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh.

Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái (phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng cao cấp tại thị trường Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. DN hiện là một trong những đối tác phân phối lớn của các thương hiệu điện tử nổi tiếng như: Sony, Panasonic, Hitachi, Toshiba, Electrolux, Samsung… Vài năm trở lại đây, bắt kịp với công nghệ 4.0, DN đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, tập trung nhiều hơn vào các kênh bán hàng trực tuyến.

Từ đầu năm 2024, Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái đã xây dựng chiến lược mới nhằm tiếp cận và thu hút nhiều khách hàng qua các buổi livestream, với đội ngũ chuyên nghiệp, kịch bản được dàn dựng công phu, thu hút hàng nghìn lượt khách hàng theo dõi và mua sắm.

Ông Phạm Việt An, Quản lý kinh doanh Công ty, cho biết: Chúng tôi thuê một ekip chuyên nghiệp để thực hiện các buổi bán hàng trực tuyến. Bình quân, mỗi phiên bán hàng trực tuyến, DN thu hút tới 5.000-6.000 lượt khách hàng tham gia tương tác, qua đó hiệu suất bán hàng tăng 200-300%. Tính từ tháng 3 đến hết tháng 6-2024, doanh thu bán lẻ của đơn vị đã đạt mục tiêu của cả 9 tháng, với trên 4 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên) chuyên kinh doanh thang máy và sản xuất các chi tiết, linh kiện thang máy. Nhiều năm qua, đơn vị luôn tìm nhiều giải pháp nhằm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng nhưng đảm bảo không tăng giá thành sản phẩm.

Để làm được điều này, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy móc tự động hóa với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ nhà máy sản xuất của đơn vị (đóng chân trên địa bàn TP. Sông Công) chỉ có khoảng 20 lao động (giảm khoảng 60% so với những năm trước) nhưng hiệu suất công việc vẫn tăng.

Dây chuyền bán tự động sản xuất linh kiện thang máy tại Công ty Thang máy - Cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên).

Dây chuyền bán tự động sản xuất linh kiện thang máy tại Công ty Thang máy - Cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên).

Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, cho biết: Chúng tôi đang tổ chức sản xuất trong chuỗi thiết bị phụ tùng thang máy, với quy mô toàn cầu. Để vào được thị trường này, Công ty phải đầu tư xây dựng dây chuyền thiết bị bán tự động để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, đơn vị bán ra thị trường từ 150-200 tấn sản phẩm, với doanh thu trên 20 tỷ đồng. Tới đây, chúng tôi tiếp tục đầu tư máy móc để nâng cao hơn nữa mẫu mã sản phẩm, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên hiện có 1.300 DN, hoạt động nhiều trong những lĩnh vực: Xây dựng, vận tải, thương mại, dịch vụ, khai khoáng… Thời gian qua, Hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tạo sự kết nối nhằm mở rộng thị trường. Các DN hội viên cũng chủ động gia nhập cuộc đua số hóa các dịch vụ bằng việc nhanh chóng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, khai thác tối đa các kênh trực tuyến, các ứng dụng bán hàng, thúc đẩy tích hợp đa kênh.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên, cho biết: Công nghệ 4.0 đang là xu thế, tác động, hiện diện trên tất cả các ngành nghề, mọi lĩnh vực. Do vậy, DN phải đi theo xu thế, trong đó có cả công nghệ cho sản xuất, quản trị điều hành và người tiêu dùng. Trên thực tế đã có khoảng 50% DN trong Hiệp hội đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đua công nghệ số, đơn cử như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Thương mại Thái Hưng…

Thời gian tới, Hiệp hội DN thành phố tiếp tục thực hiện nhiều hội thảo, lớp tập huấn nhằm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các DN về chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành liên quan của tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa về kinh phí hoặc tạo sự kết nối trong việc triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/doanh-nghiep-chu-dong-bat-nhip-cong-nghe-so-4f81110/