Doanh nghiệp chủ động nguồn lao động trong bối cảnh dịch bệnh

Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Trong số đó không ít người là công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp linh động các giải pháp, nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động.

Chia ca, bố trí hợp lý

Tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison (Đắk Song) hiện có hơn 100 cán bộ, công nhân, người lao động. Trong đó, gần 30% phát hiện nhiễm Covid-19. Chưa kể, nhiều cán bộ, công nhân trong diện F1.

Theo ông Dương Hội, Tổng Giám đốc Công ty, tình trạng bị nhiễm Covid-19 khiến lực lượng lao động tại đơn vị có nhiều thời điểm thiếu hụt. “Chúng tôi phải động viên lao động tăng ca, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật. Một số bộ phận thiếu hụt nhiều, đơn vị tăng 3 ca/ngày”, ông Hội chia sẻ.

Cũng theo ông Hội, Công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo hướng tập trung ưu tiên sản xuất các đơn hàng cần giao sớm, có số lượng lớn. Nhiều thời điểm đơn vị phải thuê dịch vụ cung ứng lao động thời vụ để bù đắp tạm thời thiếu hụt.

Đối với người lao động thuộc diện cách ly theo quy định, công ty sử dụng quỹ phúc lợi để hỗ trợ chi trả các chế độ, nhằm giúp họ yên tâm cách ly, sớm quay trở lại làm việc.

Tương tự, tình trạng thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Thái An (Cư Jút).

 Công nhân chế biến chanh dây tại Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Thái An (Cư Jút)

Công nhân chế biến chanh dây tại Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Thái An (Cư Jút)

Theo đại diện công ty, tình hình Covid-19 kéo dài, số ca nhiễm tăng cao khiến nhiều lao động tại nhà máy bị nhiễm bệnh. Một số dây chuyền có thời điểm bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh rất khó khăn.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất, công ty linh động chia ca, bố trí lịch trực cho công nhân. Một số dây chuyền đơn vị tiến hành sắp xếp lại lực lượng lao động để bù trừ, hỗ trợ cho nhau.

Công ty đã làm việc với các đối tác để lùi thời gian bàn giao hàng đối với những hợp đồng có số lượng lớn. Công ty yêu cầu cán bộ, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, đến nay, tổng số lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh bị nhiễm Covid-19 tương đối đông. Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp đã đề ra các phương án để bảo đảm sản xuất như: điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ nhau. Một số dây chuyền bố trí công nhân, người lao động làm thêm giờ.

Trong trường hợp những đơn hàng cấp thiết cần số lượng lớn, các doanh nghiệp đàm phán khách hàng giãn ngày giao hàng, chia ca để làm việc, nhằm bảo đảm sức khỏe người lao động.

Về phía các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhằm đồng hành, quan tâm tốt hơn người lao động. Những trường hợp bị nhiễm bệnh sau khi khỏi bệnh sớm trở lại doanh nghiệp làm việc để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút), công đoàn khu công nghiệp phối hợp với công đoàn các đơn vị trực thuộc có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động.

Đến nay, có gần 170 người lao động được công đoàn hỗ trợ với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Công đoàn còn phối hợp với các cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19.

Cũng theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, mặc dù các doanh nghiệp có từng giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nhưng cũng chỉ là phương án tạm thời.

Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp với những ca nhiễm mới tăng cao, kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.

Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm giảm các ca mắc Covid-19 mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

1,526

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/doanh-nghiep-chu-dong-nguon-lao-dong-trong-boi-canh-dich-benh-92316.html