Doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Long An đã triển khai đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh thực hiện tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Giá trị hàng hóa trên 610 tỉ đồng
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT, ngày 08/12/2022 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương đã lập phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm và cũng là cơ hội để các DN tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các DN trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng đón “cao điểm” cuối năm.
Long An gần TP.HCM - nơi có nhiều nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cũng như tập trung dự trữ hàng hóa tiêu dùng phân phối khắp nơi. Chính vị trí thuận lợi này mà nguồn hàng hóa phục vụ tết tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào, phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại. Tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đã chủ động nhập hàng hóa tạm trữ, nhất là bánh, kẹo, mứt các loại,... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Những ngày gần đây, Công ty (Cty) TNHH San Hà chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng chuyên bán hàng thực phẩm, bách hóa tổng hợp mang tên SanHaFoodstore tại đường Lê Văn Tao, phường 2, TP.Tân An. Đây là cửa hàng thứ 45 trong chuỗi cửa hàng thực phẩm của San Hà và là cửa hàng đầu tiên của San Hà tại TP.Tân An.
Theo Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà, TP.Tân An là thị trường tiềm năng bởi nơi đây tập trung dân cư đông đúc, có nhiều nhà máy với hàng ngàn công nhân. Những ngày mở bán vừa qua, cửa hàng luôn đón lượng khách khá đông mua sắm hàng ngày. Để phục vụ người dân mua sắm đón tết, cửa hàng đã chuẩn bị nguồn hàng rất lớn như thực phẩm đóng gói, nước chấm các loại, dầu ăn, các loại gia vị, gạo,...
Đặc biệt, Cty TNHH San Hà có Cty chuyên sản xuất, chế biến các loại thực phẩm với nhãn hiệu F&B như lạp vịt, lạp xưởng, chả lụa. Ngoài mặt hàng này, những ngày cận tết, San Hà sẽ tăng cường cung ứng các mặt hàng tươi sống như thịt gà, thịt vịt, thịt heo, thịt bò; thủy, hải sản; các loại rau, củ, trái cây,... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân địa phương với tiêu chí an toàn thực phẩm. Hy vọng, cửa hàng San Hà sẽ là điểm mua sắm thuận tiện đối với người tiêu dùng địa phương với giá cả hợp lý, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do có sự chuẩn bị tốt, cửa hàng San Hà sẽ tham gia bán sản phẩm bình ổn thị trường phục vụ người dân mua sắm đầy đủ và tiết kiệm vào dịp tết.
Như các năm trước, thời điểm này, các đơn vị kinh doanh phân phối lớn trên địa bàn tỉnh như Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An, Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, hệ thống siêu thị Co.opmart, các cửa hàng tiện ích,... đã lên kế hoạch tạm trữ hàng hóa thiết yếu. Qua báo cáo từ các DN, năm nay hàng hóa đa dạng về mẫu mã. Hàng hóa mà DN tham gia tạm trữ gồm: Gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu, bia, nước giải khát,... Tổng giá trị hàng hóa khoảng 610 tỉ đồng. Lượng dự trữ này tăng khoảng 50 tỉ đồng so với lượng hàng hóa tạm trữ phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có trên 3.200 đại lý bách hóa tổng hợp, góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Tăng cường kiểm tra bình ổn thị trường
Trên địa bàn tỉnh có nhiều DN sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Vì vậy, lượng gạo không những cung cấp đủ cho thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận. Cty Lương thực Long An luôn duy trì lượng gạo lớn. Hàng hóa tồn kho tại Cty gồm gạo thơm để duy trì bán lẻ từ 1.000-2.000 tấn và khoảng 2.000 tấn gạo thông dụng. Ước tính, Cty Lương thực Long An dự trữ nguồn hàng khoảng 50 tỉ đồng tại các nhà máy và cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, Cty Lương thực Long An có thể huy động khoảng 18.000 tấn gạo tồn kho thường xuyên để cung cấp ra thị trường khi có tình huống giá gạo tăng đột biến.
Theo bà Châu Thị Lệ, tỉnh có 26 DN tham gia xuất khẩu gạo. Khi thị trường biến động, ngoài Cty Lương thực Long An là đơn vị cung cấp chủ lực thì Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 25 DN tham gia xuất khẩu gạo còn lại (theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/8/2018 của Chính phủ) cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ. Qua khảo sát, các DN này tồn kho khoảng 218.000 tấn gạo và 30.000 tấn nếp.
Đối với xăng, dầu, trên địa bàn tỉnh có 478 cửa hàng xăng, dầu với mức dự trữ thường xuyên khoảng 30.000m3, được bố trí đều khắp 15 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, Cty Xăng dầu Long An thường xuyên duy trì khoảng 14.100m3 (xăng 7.000m3, dầu diesel 7.000m3, dầu hỏa 100m3), tổng giá trị khoảng 316 tỉ đồng, với 65 cửa hàng trực thuộc và các đại lý trải đều trên toàn tỉnh, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trong dịp tết.
Bà Châu Thị Lệ cho biết thêm, từ thời điểm này, Sở sẽ bố trí cán bộ theo sát diễn biến thị trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, không để hàng hóa ách tắc, tạo điều kiện tốt nhất để người dân mua sắm tết. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch số 3642/KH-UBND, ngày 02/12/2022 của UBND tỉnh về cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doanh-nghiep-chuan-bi-hang-hoa-phuc-vu-tet-a146931.html