Doanh nghiệp chuyển đổi nhanh sang sản xuất xanh

Ô nhiễm môi trường không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp kỹ thuật, mà cần sự nhận thức đúng đắn từ các doanh nghiệp công nghiệp về trách nhiệm xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã chỉ ra rằng, chất lượng không khí ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam, đặc biệt ở các khu vực gần các nhà máy công nghiệp, thường xuyên vượt tiêu chuẩn cho phép. Còn Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) từng chia sẻ về các nghiên cứu mới được cập nhật về tình trạng ô nhiễm môi trường.

Vinamilk sở hữu hệ thống 15 trang trại đạt chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P, Organic châu Âu.

Vinamilk sở hữu hệ thống 15 trang trại đạt chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P, Organic châu Âu.

Theo ghi nhận, ngành công nghiệp dệt may và thực phẩm tại Việt Nam là những nguồn thải chất độc hại lớn nhất vào môi trường. Do đó, cần có các chính sách nghiêm ngặt để quản lý tình trạng ô nhiễm này để hướng tới NetZero.

Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và từ các tổ chức nghiên cứu môi trường, ngành chế biến thực phẩm đang chiếm khoảng 30% tổng lượng chất thải lỏng công nghiệp; ngành dệt nhuộm chiếm khoảng 20% tổng lượng chất thải nước; ngành hóa chất có tỷ lệ gây ô nhiễm không khí cao từ các chất khí độc hại như: sulfur dioxide (SO₂) và nitrogen oxides (NOₓ) thải ra từ quá trình sản xuất.... chiếm khoảng 15% tổng lượng ô nhiễm không khí; ngành sản xuất giấy chiếm khoảng 10% tổng lượng chất thải công nghiệp...

Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu về môi trường, TS. Trần Hồng Mơ nhận định: Ô nhiễm môi trường không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp kỹ thuật, mà cần sự nhận thức đúng đắn từ các doanh nghiệp công nghiệp về trách nhiệm xã hội. Với vai trò đang ngày càng được khẳng định và đề cao, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh và mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi sang sử dụng công nghệ sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu là những sản phẩm thân thiện với môi trường để giúp giảm thiểu lượng chất thải và khí thải gây ô nhiễm.

Thêm vào đó, doanh nghiệp không thể không đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải và khí thải hiện đại, đạt tiêu chuẩn về môi trường; cũng như các công nghệ xử lý sinh học, công nghệ lọc màng hay áp dụng các thiết bị thu hồi năng lượng từ chất thải....

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có hệ thống giám sát liên tục để theo dõi mức độ ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Việc đo đạc và báo cáo định kỳ về các chỉ số ô nhiễm sẽ giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về tác động của mình đến môi trường. Điều này không chỉ đảm bảo sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Bà Trần Thị Thu Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần HHP GLOBAL, tiền thân là Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà cho hay, HHP GLOBAL đã có những quyết sách trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy để đạt được tiêu chuẩn Công trình Xanh (LEED) của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ. Đồng thời, triển khai dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo mức độ tuần hoàn tái sử dụng lên tới 70%, hệ thống điện năng lượng mặt trời....

Bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, HHP GLOBAL còn tập trung đào tạo nhân sự, thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng, trách nhiệm chung trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, rèn luyện trí thông minh cảm xúc để xây dựng một doanh nghiệp "hạnh phúc" trong hành trình Chuyển đổi xanh của HHP GLOBAL.

HHP GLOBAL hiện đang là 1 trong ba doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc Chương trình Sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) Việt Nam 2023 và được chọn là một trong 22 doanh nghiệp trong “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong”.

Việc tận dụng những kiến thức và phương pháp quản lý mới, tư vấn, kết nối từ các chuyên gia để triển khai các sáng kiến ESG tại doanh nghiệp chính là nguồn lực thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cam kết thực hành ESG và hướng tới Net Zero trước năm 2035.

Công ty bắt đầu áp dụng các công nghệ tiên tiến thiết lập hệ thống thu gom và xử lý chất thải triệt để, đảm bảo rằng mọi chất thải từ quy trình sản xuất đều được xử lý và tái chế khi có thể, giúp giảm thiểu ô nhiễm đất và nước.

Doanh nghiệp cũng thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá định kỳ các chỉ số ô nhiễm từ quy trình sản xuất, qua đó, giúp nhận diện sớm các vấn đề ô nhiễm và có biện pháp khắc phục. Song song đó, doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, như các dự án trồng cây xanh hoặc làm sạch môi trường. Sự liên kết này không chỉ cải thiện hình ảnh của công ty mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo bà Hồng Gấm, doanh nghiệp đang theo đuổi các chứng nhận về sản phẩm xanh, các chứng nhận bền vững từ một số tổ chức uy tín. Điều này không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn thu hút khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-chuyen-doi-nhanh-sang-san-xuat-xanh/350408.html